Đùn đẩy trách nhiệm là hành vi ứng xử kém văn hóa, trong đó người có trách nhiệm tìm mọi cách né tránh, đẩy cho đồng nghiệp hoặc cấp trên, cấp dưới; lẩn tránh công việc bằng cách cáo ốm, nghỉ việc riêng hoặc thoái thác nhận việc do chưa được đào tạo, chưa đủ kinh nghiệm, do hiện đang bận nhiều việc… Cán bộ lãnh đạo, quản lý khi không hoàn thành nhiệm vụ thì đổ lỗi cho cấp dưới, nhân viên, cho khách hàng, chưa có thói quen nhận lỗi khi để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ; việc đổ lỗi cho cơ chế, yếu tố khách quan, thời tiết đã trở nên phố biến… Như vậy, có thể nói bệnh đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm đã trở thành một thói quen, một thứ “văn hóa xấu” trong DN và các tổ chức hiện nay ở nước ta.
Ảnh minh họa.
|
Đi tìm nguyên nhân
Muốn chữa khỏi bệnh thì cần phải chuẩn đoán đúng, cần tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh đằng sau các triệu chứng biểu hiện của nó. Đối với bệnh đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm, theo tôi là do một hoặc tất cả các nguyên nhân sau đây:
(1) Do cơ chế, tổ chức quyền lực và quản trị dễ tạo ra sự chồng chéo quyền hạn và trách nhiệm. Cơ chế “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong các tổ chức công quyền và DNNN cũng có mặt hạn chế là dễ gây ra cản trở cho sự thống nhất trong lãnh đạo, khó quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
(2) Do công tác tổ chức cán bộ, quản trị nguồn nhân lực của DN có chất lượng và hiệu quả thấp. Biểu hiện khá phổ biến là quản trị thiếu khoa học, chưa có bản mô tả vị trí việc làm, khung năng lực xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên làm sơ sở đánh giá hiệu quả công tác của mỗi người.
(3) Do cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa gương mẫu, nhân viên chưa tự giác làm việc với tinh thần, thái độ tận tâm tận lực, có đạo đức nghề nghiệp. Nếu lãnh đạo thực sự nêu gương, dám làm dám chịu trách nhiệm, có niềm tin khi giao nhiệm vụ và ủy quyền cho những người xứng đáng thì nhân viên có cơ hội trưởng thành và dám nhận việc khó và làm việc tận tâm với trách nhiệm và danh dự của mình.
Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh đùn đẩy trách nhiệm thuộc về chủ quan: Do con người và phương thức lãnh đạo của DN quyết định.
Phương pháp “chữa trị”
Muốn chữa trị căn bệnh đùn đẩy trách nhiệm trong DN một các hiệu quả, theo tôi trước hết cần tập trung triệt tiêu nguyên nhân gây bệnh dựa trên cơ sở khoa học và luật pháp. Sau đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý DN và xã hội theo các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, khoa học, hiệu quả với các tiêu chí cụ thể, công khai minh bạch.
Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản trị nguồn nhân lực nói riêng, quản trị DN nói chung. Việc phân chia chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm cho các đơn vị và cá nhân trong tổ chức phải rõ ràng, mỗi công việc phải có một người chịu trách nhiệm đến cùng. Kết hợp giữa quản trị theo khoa học với việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý và chế độ khen thưởng - kỷ luật công bằng, minh bạch… Khi người lãnh đạo liêm chính, công tâm, khách quan, có trách nhiệm cao trong công việc thì nhân viên sẽ không dám đùn đẩy công việc và lẩn tránh trách nhiệm.
Ba là, xây dựng và quản trị DN theo một nền văn hóa tổ chức đề cao các giá trị làm việc tận tâm, trách nhiệm, tôn vinh những thành tựu xuất sắc, thay thế, triệt tiêu các hành vi và lối sống tiêu cực, cẩu thả, bừa bãi, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác và kém văn hóa. Tạo dựng và nuôi dưỡng thói quen, lề lối làm việc khoa học, văn minh, theo các giá trị cốt lõi và chuẩn mực hành vi của văn hóa DN là cách thức xây dựng một lối sống có trách nhiệm và đạo đức tốt đẹp của DN cũng như của mỗi thành viên trong DN, tổ chức.