“Đúng quy trình” - Liệu đã đủ?

Không biết từ khi nào, cụm từ “đúng quy trình” đã trở nên phổ biến, xuất hiện dày đặc tại các hội nghị, trên các trang báo hàng ngày... Nhưng “đúng quy trình” liệu đã đủ?

Có thể điểm lại một vài sự kiện được gắn với dòng chữ “đúng quy trình”: Một người “làm quan”, cả họ được nhờ: Bổ nhiệm đúng quy trình; Bệnh nhân đau tay phải, mổ tay trái: Mổ đúng quy trình.

Gần đây nhất, 18 bệnh nhân chạy thận ở BV Đa khoa Hòa Bình đồng loạt gặp sự cố khiến 8 người chết, cũng được khẳng định “việc chạy thận được thực hiện đúng quy trình” (?)...

Ảnh minh họa.

Nhân đây, tôi xin được kể một câu chuyện về “nhận quà đúng quy trình”. Khi miền Trung chìm ngập do bão lũ, đã có nhiều đoàn xe chở hàng cứu trợ đến với đồng bào bị bão lụt. Tại một khu vực phát hàng cứu trợ, có một người phụ nữ cứ chạy đôn chạy đáo nhận hết quà từ nhóm này đến nhóm khác. Chị ôm quà cất đi, rồi lại chạy ra tiếp tục nhận quà. Qua tìm hiểu, tôi mới biết, chị có tên trong hàng loạt danh sách khác nhau. Danh sách chính quyền địa phương lập ra đúng quy trình. Người phụ nữ kia cũng nhận quà cũng đúng... quy trình, theo đúng danh sách. Kết quả: Người được nhận quá nhiều, người lại không có gì.

Trong doanh nghiệp, việc xây dựng, thực hiện quy trình làm việc, công tác là hết sức cần thiết, bởi có quy trình sẽ tạo ra sự chuyên nghiệp cho CBCNV, góp phần rút ngắn thời gian làm việc. Quy trình làm việc rõ ràng, người quản lý dễ dàng xác định được hiệu quả, bản thân người lao động cũng tự đánh giá được công việc mình làm và biết cần điều chỉnh ở chỗ nào… Muốn nâng cao hiệu suất làm việc, phải có quy trình hợp lý.

Trong sản xuất - kinh doanh điện năng, các đơn vị ngành Điện đã xây dựng nhiều quy trình công tác chặt chẽ, từ quy trình giao tiếp khách hàng đến quy trình thao tác, quy trình xử lý sự cố, quy trình cấp điện, quy trình an toàn điện… Quy trình ở đây đóng vai trò như là một khuôn mẫu hợp lý, trình tự khoa học, các bước tiến hành được định sẵn. Nếu không thực hiện đúng quy trình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, gây mất an toàn lao động, không mang lại hiệu quả trong công việc.

Nói như vậy, nhiều người sẽ cho rằng, việc xây dựng quy trình giống như “lập trình phần mềm cho robot”, cứ răm rắp tuân theo “lệnh” đã cài đặt sẵn. Không, bởi nếu vậy, lúc ấy con người trở thành cái máy vô cảm, không có sáng tạo, hứng thú trong công việc, năng suất không cao. Cần phải xem quy trình là chỗ dựa cơ bản, là nền tảng để phát huy sáng tạo trong công việc, linh hoạt trong áp dụng để đạt hiệu quả cao hơn.

Mặt khác, quy trình không phải là "vạn năng" có thể áp dụng từ đơn vị này sang đơn vị khác, kể cả khi 2 đơn vị giống nhau đến 95% về sản phẩm, khách hàng tiềm năng... Chính vì vậy, sử dụng một quy trình mẫu áp dụng cho tất cả các đơn vị chắc chắn sẽ thất bại. Muốn xây dựng được quy trình phải đầu tư rất nhiều công sức tâm huyết, phải coi nó là tài sản thật sự của doanh nghiệp. Đây là thứ tài sản vô hình bền vững và tồn tại lâu dài nhất.

Để xây dựng được quy trình làm việc phù hợp, người quản lý phải dựa vào  thực tế sản xuất, quản lý, trải nghiệm các bước công việc của người lao động. Khi đã có một quy trình hợp lý, người lao động có thể hoàn toàn yên tâm làm việc, thỏa sức sáng tạo trên cái khung của quy trình, hoàn thành công việc một cách xuất sắc.


  • 24/07/2017 10:50
  • Nguồn bài và ảnh: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2466