Giữ nghiêm kỷ luật trong công việc
Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Phó Tổng giám đốc Thường trực EVNNPC.
|
PV: Cả sự nghiệp gắn bó với ngành Điện, theo bà, thời gian nào là đáng nhớ nhất trong quá trình công tác?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Tôi luôn ghi nhớ những ngày tháng, sự kiện đặc biệt trong sự nghiệp của mình, ví như ngày tôi bắt đầu làm việc trong ngành Điện, ngày tôi được tham gia Đoàn Thanh niên, ngày tôi được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam hay ngày tôi được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Công ty Điện lực 1, nay là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc… Những ngày tháng đó đều đánh dấu bước trưởng thành của tôi trên con đường cống hiến cho Tổng công ty, cho ngành Điện.
PV: Khi đã là cán bộ lãnh đạo cấp Tổng công ty, việc làm “sếp” tại một đơn vị có hàm lượng KHCN cao, tỷ lệ nam giới chiếm đa số, khó khăn lớn nhất đối với bà là gì?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Do tỷ lệ nữ trong ngành Điện thấp hơn nhiều, nên khi tiến hành quy hoạch, đào tạo, chuẩn bị điều kiện bổ nhiệm phụ nữ tham gia vào lãnh đạo, quản lý cũng gặp những khó khăn nhất định. Về chuyên môn, ngành Điện là ngành thuộc khối công nghiệp nặng, nam giới có thiên hướng hiểu biết về kỹ thuật sâu hơn nữ giới. Đó là những khó khăn mà bất cứ lãnh đạo nữ trong ngành Điện và những ngành kĩ thuật khác đều gặp phải. Về giao tiếp, trong môi trường đa số là nam, cánh mày râu chia sẻ với nhau khá đơn giản. Chỉ cần ra khỏi công ty là họ có thể dễ dàng vỗ vai trò chuyện, nhưng là lãnh đạo nữ, không làm như vậy được.
Để làm tốt việc công việc điều hành trong một đơn vị ngành Điện, tôi luôn phải giữ nghiêm kỷ luật, nguyên tắc, quy trình công việc. Khi đó bất kể người đó là nam hay nữ cũng phải tuân thủ như nhau, cùng phấn đấu cho mục tiêu chung của đơn vị.
PV: Có người cho rằng, nam giới phù hợp làm lãnh đạo hơn phụ nữ vì không vướng bận chuyện gia đình, sức khỏe cũng tốt hơn. Bà có nhận xét gì về quan điểm này?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Thực tế, trách nhiệm của nam giới cũng phải chăm lo cho tổ ấm. Nếu nam giới nói rằng không vướng bận con cái, không phải chăm lo cho gia đình, thì thực sự trách nhiệm của anh ta đối với tập thể cũng phải xem xét lại. Còn về vấn đề sức khỏe, đúng là nam giới có thiên hướng chịu đựng được những công việc nặng nhọc, cần nhiều sức vóc hơn. Nhưng theo nghiên cứu, phụ nữ có tuổi thọ cao hơn, dẻo dai hơn. Các thống kê về mặt y học, quan điểm xã hội hiện nay cũng cho thấy phụ nữ không hề có yếu điểm về tâm lý sinh lý nào so với nam giới. Chính vì vậy, không có cơ sở nào khẳng định, phụ nữ làm lãnh đạo, quản lý kém hơn nam giới.
Ở một môi trường mà chỉ có hơn 20% là phụ nữ như EVN, tôi cho rằng, bình đẳng giới được thể hiện rõ nhất. Trong công việc quản lý, tôi chưa thấy phụ nữ thua kém gì các đồng nghiệp nam. Với bản lĩnh, khả năng làm việc của chị em, tôi tin các anh em đồng nghiệp cũng không thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của “phái đẹp” vào thành công của đơn vị.
PV: Là Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của EVNNPC, bà nhận thấy ở EVN nói chung và EVNNPC nói riêng, vấn đề bình đẳng giới hiện đã được thực hiện như thế nào?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Có thể nói, chưa bao giờ nữ giới được tham gia lãnh đạo, quản lý nhiều như bây giờ, đặc biệt trong ngành Điện. Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, những năm gần đây, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ đã được triển khai sâu rộng và mang tính thiết thực cao. Các ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ở các cấp đã có chương trình hành động cụ thể hàng năm. Công tác giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới... đã có nhiều thành quả tích cực. Trong đó, giao chỉ tiêu nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia tiếp cận các khâu là bước tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực bình đẳng giới… Tất cả những chương trình đó đã được thay đổi về chất tại tất cả các đơn vị, đặc biệt là ở EVNNPC.
Những năm gần đây, toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện các chương trình cố vấn và lãnh đạo nữ, trong đó những nữ cán bộ giàu kinh ngiệm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các chị em trẻ hơn đang trên đường thực hiện ước mơ. Sau những chương trình như vậy, tỉ lệ chị em thăng tiến trong công việc, được đề bạt vào những vị trí quản lý có chiều hướng đi lên.
Làm hết sức, chơi hết mình
Bà Đỗ Nguyệt Ánh trong đời thường.
|
PV: Nhiều người muốn biết “bí quyết” nào làm nên thành công của nữ Phó tổng giám đốc của một Tổng công ty lớn? Bà có thể “bật mí” bí quyết của mình được không, thưa bà?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Để đạt được thành công trong cuộc sống, tôi thấy cần có 2 yếu tố. Thứ nhất, bản thân mình phải không ngừng tự học hỏi, tự trang bị kiến thức cần thiết cho cuộc sống, cho công việc. Muốn như thế, tôi phải liên tục tự trau dồi, không bao giờ để cho bản thân bị lạc hậu so với thời cuộc. Còn về yếu tố thứ hai, đó là bản thân chúng ta phải vượt lên chính mình, vượt lên những định kiến về sức khỏe, thể chất, về giới, về quan niệm rằng phụ nữ tham vọng trong công việc thì sẽ bỏ bê gia đình… Chỉ có khi nào chúng ta cố gắng thì mới mong được gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trân trọng, ủng hộ.
PV: Để có thể trở thành người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” có lẽ đã mất rất nhiều thời gian, công sức. Bà có thể chia sẻ, làm cách nào để cân bằng được công việc và cuộc sống riêng?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Gia đình và công việc là hai vấn đề không thể thiếu trong cuộc đời tôi. Để tạo sự cân bằng, tôi có nguyên tắc riêng mà tôi tin rằng nhiều người cũng đang áp dụng. Đó là về nhà, tôi sẽ để công việc ngoài cánh cửa. Khi đó, tôi toàn tâm chăm sóc gia đình mình, dành thời gian thư giãn đầu óc với những thú vui của riêng mình. Tôi rất thích đọc sách. Nhà trên, nhà dưới đều rất nhiều sách và sách cũng có nhiều thể loại và đa dạng. Thông qua những cuốn sách, tôi tiếp nhận được nhiều thông tin, tiếp cận được nhiều hình mẫu phụ nữ, những người kiệt xuất và tôi luôn nhìn thấy ở một nhân vật nào đó có những nét tính cách mà tôi luôn hướng tới. Qua mỗi cuốn sách, kiến thức của tôi càng thêm phong phú.
Vào những ngày không quá bận rộn, tôi rất thích được nằm cạnh con và đọc sách, đọc truyện. Mỗi khi đắm chìm trong thế giới đó, mọi buồn phiền, căng thẳng đều tan biến hết.
Nhưng khi đã quay lại với công việc, tôi sẽ không để những phiền muộn của đời sống riêng tư làm ảnh hưởng. Chúng ta không thể lúc nào cũng đắm chìm trong những giờ phút thoải mái khi ở nhà được. “Làm hết sức, chơi hết mình” - đó là quan điểm của tôi.
PV: Là một người bận rộn, bà có quan tâm tới những vấn đề “rất phụ nữ” khác như, làm đẹp, luyện tập giữ gìn vóc dáng hay mua sắm… ?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Tôi quan niệm, muốn có sức khỏe phải cố gắng sống điều độ. Tùy vào thể trạng, tính cách, mỗi người có thể xây dựng một thời khóa biểu ngủ, nghỉ phù hợp. Với những người làm lãnh đạo thì càng cần phải giữ điều độ. Không thể hôm nay làm xuyên đêm tới sáng, rồi hôm sau lại ngủ bù được. Mình phải phân bổ công việc sao cho kiểm soát được hoàn toàn thời gian của mình.
Thể thao là một cách giúp cho cuộc sống của tôi ổn định hơn, điều độ hơn. Mỗi ngày tôi luôn dành khoảng 1 giờ đồng hồ tập luyện. Trước đây, tôi tập Aerobic, nhưng gần đây, tôi chuyển sang chạy bộ. Với phụ nữ, đặc biệt là những người làm lãnh đạo, thường xuyên phải giao tiếp, tôi tin rằng, khi mặc các trang phục phù hợp và có cá tính, họ sẽ nhận được sự tôn trọng nhất định từ phía đối tác và đồng nghiệp. Vì thế, tôi cũng không ngoại lệ khi quan tâm tới thời trang.
PV: Bà có lời khuyên nào dành tặng cho chị em phụ nữ, đặc biệt những bạn nữ trẻ tuổi?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Bất kỳ ai cũng chỉ sống một lần trong đời. Do đó tôi nghĩ, ai cũng nên sống cho có ích, sống để không bao giờ phải hối tiếc và có thể cống hiến nhiều cho xã hội. Tôi tin rằng, điều này cũng được các bạn nữ trẻ tuổi thực hiện. Một khi chúng ta đam mê, chúng ta hãy cởi bỏ mọi ràng buộc để theo đuổi đam mê của mình.
PV: Xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc trò chuyện. Chúc bà luôn mạnh khỏe và thành công!