Liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần (Nhà máy điện Vinh): Người thợ điện kiên cường

Dưới làn bom đạn ác liệt của đế quốc Mỹ vào một ngày tháng 6 năm 1965, Nguyễn Cảnh Dần - công nhân vận hành lò Nhà máy điện Vinh vẫn dũng cảm bám máy, bám lò, quyết tâm giữ “dòng điện không bao giờ tắt”.

"Quyết tử cho dòng điện…”

Gặp gỡ, trò chuyện với gia đình, đồng nghiệp liệt sỹ Nguyễn Cảnh Dần - người công nhân đã hy sinh bên tổ máy của Nhà máy điện Vinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chúng tôi – những thế hệ sau chiến tranh, mới hiểu thêm phần nào cuộc sống, công việc, những khó khăn và đặc biệt là tinh thần nhiệt huyết, quyết tử của những “thợ điện – chiến sĩ” năm xưa.

Nguyễn Cảnh Dần sinh năm Kỷ Mão (1939) trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Năm 21 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Điện, anh vào làm công nhân vận hành lò Nhà máy điện Vinh. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và khát vọng cống hiến, Nguyễn Cảnh Dần luôn tiên phong trong mọi nhiệm vụ được giao.

Ông Võ Quang Tụy – nguyên công nhân vận hành lò Nhà máy điện Vinh chia sẻ: “Cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với nhau, tôi thực sự cảm phục và quý trọng nhân cách của anh Dần. Tôi còn nhớ, khi đó, ăn uống kham khổ lắm. Thế nhưng, trong những bữa cơm ca, có miếng ngon, anh Dần thường nhường cho đồng nghiệp, đặc biệt là những người lớn tuổi. Trong công việc, anh luôn xung phong đảm nhận những việc khó, việc khổ về mình. Nhiều năm liền, anh được bầu là lao động tiên tiến, được Nhà máy khen thưởng. Làm công nhân vận hành lò đã rất vất vả, nhưng mỗi khi có thời gian, anh Nguyễn Cảnh Dần rất hay giúp đỡ đồng nghiệp. Có lần, vừa tan ca, thấy một bác công nhân đẩy xe xỉ than rất nặng, anh Dần liền tới hỗ trợ. Đồng thời, anh vận động mọi người hỗ trợ bác công nhân chở nốt các chuyến xỉ than còn lại. Thật thà, chất phác và tốt bụng, anh Dần được lãnh đạo và công nhân yêu mến, quý trọng”.

Khi Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang phá hoại ra miền Bắc, Nhà máy điện Vinh trở thành một trong những mục tiêu trọng điểm bắn phá ác liệt của địch. Nguyễn Cảnh Dần luôn hăng hái, xông pha vượt lên phía trước. “Anh thường động viên đồng nghiệp: Chúng ta phải luôn đi đầu, phải làm thế nào vận hành lò cho tốt, để dòng điện không bao giờ tắt, phục vụ đắc lực cho chiến đấu và sản xuất”, ông Tụy nhớ lại.

Khẩu hiệu “Địch đánh ta phục hồi, địch lại đánh ta lại phục hồi, bám trụ kiên cường, thề quyết tử cho dòng điện quyết sinh” của Nhà máy điện Vinh luôn được Nguyễn Cảnh Dần lấy làm phương châm hành động trong công việc. Và sự hi sinh khi đang làm nhiệm vụ trong trận ném bom ác liệt của máy bay Mỹ vào Nhà máy ngày 4/6/1965 cũng chính là minh chứng hùng hồn, thể hiện ý chí kiên cường, lòng căm thù giặc sâu sắc trong anh.

Trưa ngày 4/6/1965, giặc Mỹ ném bom bắn phá Nhà máy, phá hủy nhiều máy móc, thiết bị. Khi máy bay địch vừa rút, CBCNV Nhà máy lao vào sửa chữa, phục hồi  thiết bị. Đến đầu giờ chiều, máy bay Mỹ bất ngờ quay lại, tiếp tục ném bom bắn phá dữ dội. Dưới làn bom đạn Mỹ, Nguyễn Cảnh Dần vẫn anh dũng, kiên cường bám trụ,  đi kiểm tra tình trạng vận hành thiết bị lò hơi. Và bom đạn Mỹ đã khiến anh ngã xuống ngay tại chân cầu thang của lò số 1. Lúc đó, Nguyễn Cảnh Dần vừa tròn 26 tuổi.

“Ngày hôm đó, cùng với anh Dần, 7 cán bộ, công nhân Nhà máy điện Vinh cũng đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Tinh thần làm việc quên mình của họ mãi là tấm gương sáng để những người còn sống học tập và noi theo, tiếp tục giữ vững dòng điện của Nhà máy điện Vinh trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt”, ông Tụy xúc động nhớ lại.

Cán bộ công đoàn Nhà máy đến hiện trường, nơi anh chị em công nhân lao động vất vả khắc phục hậu quả sau những trận bom Mỹ đánh phá Nhà máy điện Vinh (tháng 7/1965)

Người chồng mẫu mực

Trong căn nhà chưa đến 30 m2 nằm trên phố Nguyễn Thái Học, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, bà Nguyễn Thị Tế - vợ liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần không cầm được nước mắt khi nhớ về người chồng đã hy sinh. Quen biết nhau từ nhỏ, yêu nhau, rồi kết hôn, ông chưa một lần làm bà phải buồn lòng.

Đưa cho tôi cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay, bà Tế cho biết, đây là kỷ vật duy nhất của chồng mà bà còn giữ lại được. “Tôi sinh con trai đầu lòng khi đang theo học trường y. Về quê ở cữ, nên không thể lên lớp nghe giảng được. Ông ấy đã mượn vở của bạn học, tranh thủ thời gian rảnh, chép lại rõ ràng, đánh dấu những mục cần ghi nhớ, mang về quê cho tôi học”, bà Tế nhớ lại.

Trải qua bao vất vả, khó khăn, một mình nuôi hai con khôn lớn, đến nay khi đã ở tuổi 80, điều nuối tiếc nhất của bà Tế là không còn lưu giữ được một tấm ảnh nào của người chồng yêu quý. “Đến cả một tấm ảnh thờ của ông ấy cũng không còn. Trong một lần máy bay Mỹ ném bom, nhà của chúng tôi bị cháy rụi. Tất cả những kỷ vật, ảnh của ông ấy cũng theo đó mà bay đi. Riêng cuốn sổ tay về ngành Y, do tôi mang về quê nên may mắn giữ được”, bà Tế nghẹn ngào chia sẻ.

“Bố mất khi tôi lên 3, còn em gái mới được hơn 3 tháng tuổi. Bao năm qua, anh em tôi chỉ biết hình dung bố qua lời kể của mẹ, của các những bác từng là đồng nghiệp với bố. Chúng tôi cũng đã từng nỗ lực tìm lại các tư liệu ở  Nhà máy điện Vinh, với hy vọng có thể tìm được một tấm ảnh của bố, nhưng không còn”, anh Nguyễn Cảnh Minh - Con trai liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần, hiện là nhân viên Phòng Kinh doanh – Tổng hợp Điện lực Hưng Nguyên, Công ty Điện lực Nghệ An chia sẻ.

Anh Minh cho biết thêm, tấm gương sáng ngời, nhân phẩm cao quý của bố là động lực để anh và em gái “đầu quân” vào ngành Điện. “Anh em chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao, hi vọng sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ vì “một dòng điện không bao giờ tắt” vẫn còn dang dở của bố Dần”, anh Minh tâm sự.

Liệt sỹ Nguyễn Cảnh Dần

- Sinh ngày: 10/5/1939

- Hi sinh: 4/6/1965

- Chức vụ: Công nhân vận hành lò, Nhà máy điện Vinh

- Quê quán: Xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An)

 


  • 25/07/2022 09:32
  • Nguồn sách: Tim có thể ngừng đập, điện không thể tắt
  • 648