“Nếu bị sếp phê bình, tôi sẽ…”

Khi bị sếp phê bình bạn sẽ im lặng nhận lỗi cho xong hay thẳng thắn trao đổi lại? Cùng lắng nghe ý kiến của một số CBCNV ngành Điện xung quanh chủ đề này!

Anh Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch - Vật tư, Công ty Thủy điện Quảng Trị, Tổng công ty Phát điện 2: 

Trao đổi thẳng thắn với sếp khi bình tĩnh lại

Bị cấp trên phê bình không phải là chuyện hiếm ở công sở. Khi đó, có hai trường hợp xảy ra.Trước hết, chúng ta nên bình tĩnh suy xét những điều sếp nói là đúng hay sai?

Nếu sếp chưa hiểu đúng, tôi sẽ tìm cách hẹn với sếp để trình bày thẳng thắn quan điểm cũng như chính kiến của mình. Ở bước này cần phải cực kỳ cẩn trọng, vì chỉ cần sơ suất nhỏ có thể sẽ để lại những ấn tượng không tốt.

Tôi nghĩ nên có thái độ ôn hoà, nhã nhặn, vui vẻ sẽ khiến cấp trên mở lòng và sẵn sàng đón nhận những phản hồi, lần sau chắc chắn sếp sẽ soi xét kỹ hơn khi quyết định phê bình ai đó. Còn nếu bản thân làm sai, mà sai lầm trong công việc là điều khó tránh. Lúc này, việc cần làm là, hãy dũng cảm đối mặt với sai sót của mình, đồng thời có cái nhìn cầu tiến hơn trong công việc thay vì mãi bị ám ảnh sau khi nghe lời khiển trách. Điều này sẽ khiến sếp nhận ra, bạn là một người biết tiếp thu ý kiến và sẵn sàng nhận lỗi, tạo được thiện cảm tốt từ người sếp khó tính của mình.

Chị Trần Hoàng Yến, chuyên viên phòng Kế hoạch, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT): 

Tiên trách kỷ… 

Khi phải đối mặt với những lời phê bình, hầu hết mọi người có xu hướng soi vào phần phản hồi tiêu cực và bỏ qua phần còn lại. Điều đó không giải quyết được vấn đề! Với cá nhân tôi, khi nhận được lời phê bình từ cấp trên, tôi không nghĩ quá tiêu cực và luôn nghĩ, trong quá trình làm việc mình đã bỏ sót, hoặc để tồn tại những vấn đề mà chúng ta chưa lường trước được.

Dĩ nhiên cũng có những trường hợp bạn không đồng ý hoàn toàn với tất cả lời phê bình của sếp, nhưng chỉ cần đồng ý với một khía cạnh nhỏ của lời phê bình cũng đủ cho bạn bình tĩnh, nhìn mọi thứ thấu đáo hơn, tạo ra bầu không khí làm việc nhóm một cách thân thiện hơn, hỗ trợ lẫn nhau và khi bạn bình tĩnh, mọi góp ý bạn đưa ra sẽ được sếp xem xét kỹ hơn. Sự bình tĩnh này sau đó có thể trở thành tiền đề cho cách thức mà bạn sẽ cùng sếp, đồng nghiệp xử lý tốt hơn, làm cho bạn giảm bớt cảm giác đang “bị tấn công”.

Anh Võ Văn Việt,  Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa Cơ điện, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương: 

Không nên có thái độ giận dữ, khó chịu

Khi bị sếp phê bình, tôi nghĩ mình cần thời gian để xử lý thông tin. Khi bình tĩnh suy xét, tôi sẽ xác định được việc mình cần làm là gì. Nếu đó là phê bình về những lỗi mà tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần, chắc chắn nên suy nghĩ và rút kinh nghiệm để không phải lặp lại lần nữa. Đặc biệt, trong quan hệ cấp trên - cấp dưới, tôi nghĩ cấp dưới không nên giữ thái độ giận dữ hay khó chịu về lời phê bình vì điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai công việc của bạn. Hãy gạt bỏ những sai lầm ra khỏi tâm trí của bạn và tập trung hoàn thành công việc tiếp theo một cách tốt nhất. 

Còn nếu bạn khó chịu với cách phê bình của sếp, cần chờ sếp bình tĩnh trở lại, bạn có thể trao đổi cụ thể với sếp để xua tan bầu không khí nặng nề kéo dài giữa hai người. Hãy giải thích lý do tại sao lời phê bình đó làm bạn khó chịu và mong muốn sếp thay đổi cách thức phê bình sao cho bạn và sếp có thể hiểu nhau hơn.

Thậm chí, nếu bạn không đồng ý với lời phê bình, bạn nên suy nghĩ, đôi khi sếp có thể nhìn thấy một cái gì đó mà bạn chưa nhận ra được. Ví dụ như nếu họ nói rằng bạn là tiêu cực hay hách dịch, bạn không cảm thấy mình như vậy, cũng có thể bạn đang có tính đó, nhưng bạn không nhận ra mà thôi. Do đó, trước phê bình từ cấp trên, hãy chấp nhận đó như là một cơ hội để mình nhìn lại chính mình. 


  • 15/07/2020 10:19
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 952