Sherry Boger chia sẻ: "Một trong những mục tiêu mà tôi mong muốn trong nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam là Intel Products VietNam sẽ mở rộng hoạt động đầu tư và tiếp tục là nhà máy đi đầu ở khâu lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới"
Xây dựng “biểu tượng” của quan hệ kinh tế Việt - Mỹ
- Nhiều ý kiến cho rằng việc Intel bổ nhiệm bà - một người giàu kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn là dấu hiệu của một thời kỳ mới của Intel tại Việt Nam, thưa bà ?
Đúng vậy. Intel cam kết là một nhà đầu tư lâu dài và có lộ trình cụ thể cho các sản phẩm sẽ được sản xuất với sản lượng lớn tại Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là môi trường đầu tư có nhiều lợi thế vì nguồn nhân lực trẻ, có khát vọng và mục tiêu vươn lên cộng với vị thế chiến lược của Việt Nam trong quan hệ chính trị, kinh tế thương mại với khu vực ASEAN và APAC.
Đây là những ưu thế mà các nhà đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực và ngành nghề thuộc nhiều quốc gia quan tâm. Chúng tôi rất yên tâm vì phát triển công nghệ cao là định hướng lâu dài đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và muốn đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn.
Tôi cũng muốn khẳng định rằng, việc đảm nhận vị trí lãnh đạo dự án sản xuất và lắp ráp kiểm định chipset lớn nhất của Tập đoàn Intel là một cơ hội rất tuyệt vời và cũng là một trọng trách, thử thách mới cho tôi vì dự án này luôn là một trong những ưu tiên trong chiến lược dài hạn của tập đoàn.
- Nhưng như bà biết, ở các nước Á Đông, việc một phụ nữ đảm trách một dự án lớn có trị giá hàng tỉ USD vẫn khiến nhiều người không khỏi băn khoăn ?
Tôi không nghĩ việc một phụ nữ làm lãnh đạo lại có nhiều áp lực hơn đàn ông, bởi lẽ áp lực bắt nguồn từ chính bản chất của công việc. Tuy tôi chưa có nhiều thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, tôi vẫn tự tin cho rằng quãng thời gian tôi làm việc tại Châu Á đủ giúp tôi sớm hòa nhập và nắm bắt công việc của vị trí mới khá thuận lợi. Hơn nữa đội ngũ nhân viên của Intel tại Việt Nam rất năng động và chuyên nghiệp, có kỹ năng và kinh nghiệm đã giúp tôi yên tâm khi tiếp tục triển khai dự án 1 tỉ USD này ngày càng phát triển và thành công hơn.
- Vậy bà có thể chia sẻ những chiến lược thể hiện “tầm nhìn Intel” trong nhiệm kỳ 5 năm tại Việt Nam ?
Một trong những việc mà tôi rất quan tâm đồng thời cũng là tầm nhìn chiến lược của nhà máy Intel tại Việt Nam, đó là sớm lấp đầy các dây chuyền sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân Việt Nam như cam kết của Intel từ những ngày đầu tiên xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Intel tiếp tục các chương trình hợp tác với các bộ, ngành của Việt Nam để đẩy mạnh hơn thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), giúp đào tạo và đầu tư cho đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên trẻ…
Ngoài vai trò là nhà sản xuất sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới, Intel luôn cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghệ cao bằng nhiều hình thức, từ việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, xây dựng các quy chuẩn quốc tế như hệ thống khai báo hải quan điện tử, gương mẫu trong cơ chế doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt, thu hút đầu tư vào Việt Nam bằng chính thành công của Intel tại đây.
Bên cạnh đó, Intel cũng xây dựng nhiều chương trình đưa CNTT đến gần hơn với người sử dụng sản phẩm công nghệ tại Việt Nam với việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng sản phẩm máy tính thương hiệu nội địa “all in one”, nâng cao chất lượng cho kết nối các sản phẩm này tương thích với việc sử dụng internet băng tần cao, kết hợp lồng ghép sản phẩm công nghệ với nội dung số phong phú và hữu ích, triển khai công nghệ đám mây (cloud computing) và data center…
Kiên định mục tiêu phát triển bền vững
Bên cạnh là một tập đoàn công nghệ hàng đầu của thế giới, Intel còn được biết đến là một trong những tập đoàn đi đầu trong phát triển bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Trong năm 2012, ngoài giải thưởng ACE của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nhằm ghi nhận các doanh nghiệp Mỹ thể hiện công dân doanh nghiệp gương mẫu, xúc tiến đổi mới và thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ trên toàn thế giới, tại Việt Nam, việc Intel được VCCI trao giải nhì giải thưởng CSR năm 2012 là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Thực tế, chiến lược phát triển của Tập đoàn Intel luôn gắn với chiến lược CSR mà trọng tâm là đầu tư cho giáo dục.
- Intel là một tập đoàn có truyền thống và coi trọng phát triển nguồn nhân lực tương lai ở bất kỳ một quốc gia nào mà Intel đầu tư. Liệu thời gian tới, với cương vị của mình, bà sẽ tiếp tục các chương trình giáo dục như thế nào ?
Intel sẽ tiếp tục vai trò đầu tàu thuộc khối doanh nghiệp trong cam kết ba bên giữa Chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Giáo dục đào tạo, Tổng cục Dạy nghề và các trường đối tác tại Hoa Kỳ và Việt Nam cho dự án tiếp theo của HEEAP trong 5 năm từ 2013 đến 2017 nhờ vào thành công của dự án HEEAP trong giai đoạn 1. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục như Intel Teach, Intel ISEF vẫn là những hoạt động ngày càng nhân rộng và là cam kết lâu dài của Intel với Việt Nam.
Ngoài ra, việc Intel đầu tư hơn 1 triệu USD vào dự án điện mặt trời gần đây để giảm 221.000 kg khí CO2 hay việc thực hiện 40.000 giờ hoạt động tình nguyện tặng lại cho cộng đồng của tập thể nhân viên trong năm 2012... là một cam kết bảo vệ môi trường. Bởi Intel không chỉ được biết đến vì những sản phẩm công nghệ vượt trội mà còn là Công ty đi đầu về CSR, bảo vệ môi trường... Năm 2013 tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Tập đoàn Intel đã được tổ chức Corporate Knight xếp hạng 14 trong danh sách top 100 Công ty phát triển bền vững trên toàn cầu.
- Mặc dù Intel chọn Việt Nam để xây dựng một chương trình như bà nói là “cam kết lâu dài” nhưng có vẻ nhiều doanh nghiệp Mỹ chưa thật sự lựa chọn Việt Nam. Bà nghĩ sao về điều này ?
Tôi cho rằng số lượng các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam có thể chưa nhiều như các quốc gia khác nhưng theo tôi mọi người nên quan tâm đến chất lượng của các dự án từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Chính sự có mặt của các nhà đầu tư Hoa Kỳ có uy tín như Intel đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển sản xuất, tạo nhiều việc làm cũng như mở ra cơ hội kinh doanh cho các đối tác trong nước.
Và, quan trọng hơn nó đã giúp tăng thêm sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư thế giới nói chung và của Hoa Kỳ nói riêng.
Bà Sherry Boger tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ kỹ thuật ứng dụng điện tử của Viện Công nghệ Oregon (Hoa Kỳ) với lĩnh vực chuyên môn về các thiết bị bán dẫn, mạch tích hợp...
Bà bắt đầu gia nhập Tập đoàn Intel từ năm 1993 trong lĩnh vực quang khắc (lithography) - một kỹ thuật cơ bản trong công nghệ bán dẫn. Đã có thời gian dài làm việc tại Trung Quốc, với các chức vụ: Tổng giám đốc nhà máy Intel ở Thượng Hải, từ 11/2009 – 10/2012 là Tổng giám đốc nhà máy Intel ở Thành Đô, Trung Quốc - nơi được xem là thủ phủ của chipset Intel.
Trước đó, trong giai đoạn 2007 - 2008, bà là giám đốc Fab của liên doanh sản xuất chip nhớ NAND Flash Intel – Micron, lãnh đạo một nhà máy Fab bán dẫn tại Singapore...
|