Ngày 29-3, Đoàn cơ sở Báo SGGP tổ chức tập huấn chuyên đề “Xây dựng hình ảnh và chân dung số thời 4.0”. Chuyên đề nhằm thông tin về những diễn biến của truyền thông mạng xã hội (MXH) thời đại công nghệ số hiện nay; đồng thời tập huấn một số kỹ năng ứng xử cho đoàn viên, thanh niên trước tình trạng tin giả, tin ảo, các quan điểm sai trái, lệch lạc đang tràn lan trên MXH như hiện nay.
Là người không thường xuyên sử dụng MXH, nhất là Facebook, Nguyễn Thành Lâm (phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM) cho biết, sau một thời gian dùng MXH, bản thân anh cảm thấy bị mất năng lượng, thậm chí bị ảnh hưởng từ những thông tin tiêu cực trên MXH. “Khi nó không mang lại lợi ích cho mình, nếu tiếp tục sử dụng thì kết quả nhận được chỉ là sự chán nản và mất thời gian. Tôi chấp nhận tiếp cận thông tin chậm một chút, nhưng đó là những thông tin chính thống. Thay vì mất thời gian với MXH, tôi dùng thời gian đó để làm được nhiều việc khác”, Thanh Lâm chia sẻ.
Làm việc trong ngành báo chí, Võ Phi Long (Báo Pháp luật TPHCM) cho biết, bản thân rất chịu khó “lăn xả” trên MXH, bởi thực tế MXH đang thể hiện được ưu điểm của nó là thông tin nhanh hơn báo chí. Vì vậy, Long sử dụng để gom thông tin, sau đó xác minh lại và biến nó trở thành tư liệu của bản thân. “Sử dụng MXH như thế nào là tùy từng người, với mục đích và nhu cầu riêng của mình. Dù vậy, tôi cho rằng phải là người sử dụng thông minh thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào MXH”, Long nêu quan điểm.
Từng bước định vị được chân dung số trên MXH, Trần Thị Thu Hằng (SV năm 4, Trường ĐH Văn Hiến) cho biết, ngay khi sử dụng MXH, Hằng đã xác định mục tiêu riêng của mình. Ở đó, Hằng định hướng bản thân thực hiện các hoạt động hướng về cộng đồng. “Em mong muốn khi nhắc đến tên em - Funny Hằng - thì mọi người đều biết đây là một cô gái thích làm công việc thiện nguyện, thích tìm kiếm những mảnh đời khó khăn để cùng họ vươn lên”, Hằng chia sẻ.
Chính vì vậy, YouTube Funny Hùng và sau này Tik Tok Hangtttr_ được Hằng và nhóm bạn xây dựng gắn với các clip chuyên giới thiệu về những gánh hàng rong, những quán ăn nhỏ của các gia đình khó khăn đang mưu sinh ở TPHCM. Từ những clip ấy, Hằng đã huy động được rất nhiều tấm lòng của các mạnh thường quân trên MXH, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống. Hiện Tik Tok Hangtttr_ có 46.000 lượt người theo dõi; YouTube Funny Hùng có 430.000 lượt theo dõi.
Sử dụng mạng xã hội an toàn là điều người trẻ cần hướng tới.
|
Chỉ riêng MXH Facebook, theo thống kê, hiện trên thế giới có 2,7 tỷ người sử dụng. Riêng tại Việt Nam, hơn 2/3 dân số có tài khoản Facebook (tương đương khoảng 70 triệu người), trong đó TPHCM có 7 triệu người sử dụng Facebook. Theo đánh giá, mỗi tài khoản Facebook đang cung cấp miễn phí rất nhiều thông tin cá nhân, về tất cả các sự kiện xung quanh cuộc sống của chúng ta. TS Đào Lê Hòa An cho rằng, hiện nay, nhiều thanh, thiếu niên đang dùng giá trị ảo trên MXH để khẳng định giá trị thật của bản thân. Theo TS Đào Lê Hòa An, hiện nhiều bạn trẻ lướt thông tin khá hời hợt nên tiếp cận nhiều thông tin chưa chính thống, ảnh hưởng đến nhận thức. Và dĩ nhiên, chân dung của bạn sẽ được “vẽ” theo những suy nghĩ ấy khi bày tỏ nó trên MXH.
Cũng theo TS Đào Lê Hòa An, trong đời sống thật, chúng ta có thể điều chỉnh được hành vi khi tiếp xúc với từng đối tượng riêng. Nhưng khi đăng tải bất kỳ thông tin nào trên MXH thì sẽ có những thông tin phù hợp với đối tượng này nhưng không phù hợp với đối tượng kia. Do đó, TS Hòa An cho rằng, thông tin đăng tải trên MXH phải thực sự là thông tin các bạn muốn cả thế giới biết về thông tin đó, bởi nếu không thận trọng, thông tin đó sẽ quay ngược lại gây phiền phức cho chính mình. “Định vị hình ảnh từ tên gọi trên MXH, những hình ảnh đăng tải phải mang tính nhất quán, thông tin rõ ràng, để tránh phải mệt đầu vì nhận định của cộng đồng mạng”, TS Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.
Tham gia, tiếp nhận và thể hiện thông tin từ MXH là xu hướng tất yếu hiện nay; và cách thể hiện quan điểm cá nhân trên MXH cũng là nhu cầu không thể thiếu của người trẻ. Song, quan trọng là mỗi người trẻ phải tự tìm cho mình một cách tiếp cận, tiếp nhận và thể hiện thông tin trên MXH như thế nào để đảm bảo đó là những thông tin hữu ích với bản thân và cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 311/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên không gian mạng” giai đoạn 2022-2030. Một trong những mục tiêu của chương trình là đến năm 2025 phấn đấu trên 70%, đến năm 2030 đạt 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân xây dựng tài liệu và giảng dạy kỹ năng thích ứng, sử dụng không gian mạng an toàn, tích cực, hiệu quả cho học sinh, sinh viên… |
Link gốc