William Ackman
Sẽ không thể hiểu hết về con người Bill Ackman (tên thân mật của William Ackman) nếu không nghe những câu chuyện đầu tư kỳ lạ của ông. Vào các sáng thứ ba hàng tuần, Ackman tổ chức một cuộc họp về đầu tư tại văn phòng của mình với tư cách là người sáng lập kiêm CEO của Công ty quản lý vốn Pershing Square Capital Management. Chính tại một trong những buổi họp như thế này nhiều năm trước đây, Ali Namvar – cấp dưới của Ackman – đã đề xuất một cơ hội đầu tư có tên là Fortune Brands cho ông chủ của mình.
Theo báo cáo của Namvar, Fortune Brands là một công ty cung cấp đa sản phẩm, từ rượu, gậy và bóng gôn, thiết bị an ninh gia đình, đến đồ dùng nhà bếp. Khi đó, hỗn hợp sản phẩm này không mấy gây ấn tượng cho Ackman cũng như bất cứ ai dự họp.
Thương vụ nối tiếp thương vụ
Tuy nhiên, sau khi xem lại các báo cáo thường niên của Fortune Brands, Ackman nhận thấy đây thực sự là một mỏ vàng đầy tiềm năng chỉ chờ người khai phá. Mấu chốt nằm ở chỗ chia tổ hợp to thành nhiều công ty nhỏ. Vấn đề chỉ là thời điểm thích hợp để tiến hành chia tách. Vào thời điểm đó, quỹ đầu tư của Ackman có 9 tỷ USD có thể sử dụng ngay, và chiến lược của Ackman đối với Fortune Brands là mua lại một số lượng lớn cổ phần của Fortune Brands để tăng sức mạnh cho lời nói của ông tại công ty này. Ackman rất hiếm khi bỏ cuộc. Ông nổi tiếng trong giới là một trong những nhà đầu tư kiên định nhất.
Theo đó, Ackman đã lặng lẽ chờ đợi cơ hội trong 5 năm. Vào tháng 10/2010, khi cổ phiếu của Fortune trượt giá mạnh do thị trường nhà đất sụp đổ, Ackman ngay lập tức mua lại 11% cổ phần của công ty này. Không lâu sau, Ackman trực tiếp gọi cho CEO của Fortune là Bruce Carbonari để đề xuất một vài kế hoạch làm ăn mới.
Sau sự kiện Ackman thâu tóm một lượng lớn cổ phần của Fortune, ông ngay lập tức bị báo giới săn đón. Họ mổ xẻ kỹ lưỡng "thư đầu tư" của ông ngay khi chúng được đăng lên mạng. Ackman sau đó ngừng việc đăng các lá thư này, nhưng điều đó không có nghĩa ông né tránh báo chí. Ông vô cùng thành công trong việc tạo dựng cho mình hình ảnh một nhà đầu tư của công chúng.
Tháng 3/2009, trong một cuộc dự thầu để trở thành nhà tư vấn chính sách không chính thức cho Tổng thống Obama, Ackman đệ trình một bản kế hoạch cứu trợ hệ thống ngân hàng sau cơn khủng hoảng tài chính. Thực chất thì không có ý tưởng nào mới trong bản kế hoạch này, nhưng nhờ danh tiếng tạo dựng từ trước mà Ackman vẫn được Giám đốc Ủy ban Kinh tế quốc gia lúc đó chào đón.
Quay trở lại thời điểm tháng 4/2007, khi cơn khủng hoảng thế chấp mới bắt đầu. Ngay từ đầu, Ackman là người tìm cách cảnh báo thị trường thế chấp về nguy cơ của cuộc khủng hoảng này. Không ai nghe ông, nhưng chính cơn khủng hoảng đã mang lại không ít lời lãi cho Ackman.
Pershing Square đã liệt một loạt các ngân hàng bảo đảm thế chấp như Freddie Mac& Fannie Mae hay các công ty bảo lãnh trái phiếu như MBIA và Ambac vào danh sách theo dõi và họ đã thu được hàng tỷ đô la từ các thương vụ này. Không lâu sau, Ackman đã kéo General Growth Properties, tập đoàn sở hữu các siêu thị lớn thứ hai nước Mỹ, ra khỏi bờ vực phá sản. Nỗ lực này đã tăng tỉ lệ thành công của quỹ lên 29%, một thành tích đáng kinh ngạc, nhất là khi con số chung của ngành chỉ là 10% theo báo cáo của nhóm nghiên cứu quỹ đầu tư.
Dự đoán quan trọng
Ackman từng chia sẻ ông hoàn toàn tin tưởng vào cách nhìn của mình. "Đây là lúc chúng ta cần nhìn mọi thứ thấu đáo và toàn diện hơn", ông nói. "Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, ít nhiều tâm lý của chúng ta cũng bị ảnh hưởng, vì thế khó mà đưa ra nhận định lạc quan nào về tình hình hiện tại. Nhưng tâm lý của tôi luôn khá cân bằng khi suy xét những vấn đề thuộc kinh tế và điều đó giúp tôi nhìn mọi thứ với góc nhìn khách quan hơn".
Sự tự tin này của Ackman đã theo ông từ thủa nhỏ. Khi còn là học sinh cuối cấp 3, ông đã cá cược 2.000 USD với cha mình rằng ông sẽ đạt điểm tuyệt đối trong bài thi SAT để vào đại học. Ackman luôn luôn tin tưởng vào khả năng của mình, và ông chỉ sai đúng một câu trong bài thi năm đó.
Đến khi vào học trường Harvard, Ackman luôn làm các bạn đồng niên kinh ngạc vì sự đam mê thị trường tài chính của mình. Tốt nghiệp bằng MBA (thạc sỹ quản trị kinh doanh) năm 1992, ông cùng với một người bạn học là David Berkowitz sáng lập nên Gotham Partners. Tin tưởng rằng mình cũng là một chuyên gia bất động sản như người cha, Ackman đã đầu tư liên tục vào các sân golf bằng tiền của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, họ đã không thành công khi một trong số các nhà đầu tư đã kiện công ty này và Gothan Partners phá sản do đánh mất lòng tin từ các đối tác khác.
Năm 2003, Ackman trở lại ngành tài chính bằng việc sáng lập nên Pershing Square, mua các trái phiếu tiềm năng với giá rẻ và chờ đợi thời cơ để bán ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính lại chỉ trích Ackman và công ty của ông như những kẻ trục lợi và làm ăn thời vụ. Bản thân các cố vấn của công ty cũng bị lung lay nhưng Bill luôn kiên định "Tôi nói đúng là đúng và mọi sự sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch của chúng ta". Thực tế đã cho thấy, một lần nữa, sự tự tin của Bill là có cơ sở. Quỹ đầu tư của ông đã có tỉ suất lợi nhuận lên tới 22%.
Không dừng lại ở đó, khi vẫn còn đang đối đầu với các công ty trái phiếu, Bill bắt đầu mua cổ phần của Target, chuỗi cửa hàng siêu thị lớn hàng đầu nước Mỹ. Bản thân công ty này đang hoạt động rất tốt và vấn đề duy nhất mà họ gặp phải là cạnh tranh với Wal - Mart.
Bản lĩnh, sự nhạy bén và tầm nhìn sáng suốt cùng đam mê đặc biệt dành cho thị trường tài chính đã giúp Ackman trở thành một trong những chuyên gia quản lý quỹ được nể trọng nhất tại Phố Wall.