Thực tế cho thấy sự giận dữ nơi công sở đang trở thành căn bệnh tồn tại song song với bệnh “tám chuyện”. Tuy nhiên hậu quả của “bệnh” giận dữ lại nặng nề hơn bệnh “tám chuyện” nhiều lần. Bởi sự giận dữ nơi công sở không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của tổ chức, đến năng suất làm việc của tập thể, đến mối quan hệ giữa các nhân viên mà còn tổn hại đến sức khỏe của mỗi cá nhân. Đó là nguyên nhân phát sinh và phát triển các bệnh như trầm cảm, huyết áp cao và bệnh tim.
Ảnh minh họa.
|
Học cách sống chung cùng căn bệnh này không phải là cách hay. Tốt hơn hết là tìm ra căn nguyên của bệnh và tìm ra phương thuốc điều trị. Bởi tất cả chúng ta đều cố gắng duy trì phong cách làm việc chuyên nghiệp nơi công sở nhưng không có nghĩa chúng ta phải kiểm soát toàn bộ cảm xúc và để nó ngoài phòng làm việc.
Khi ai đó nơi công sở nổi cơn thịnh nộ – đặc biệt là hướng vào bạn, và bạn muốn chắc chắn sẽ giải quyết được tình huống này mà không trở thành "nhân vật chính" của những tình huống khó xử. Hãy làm theo những bước sau để kiểm soát hiệu quả tình huống:
1. Không lập tức tham gia
Hãy cố gắng không tham gia vào cuộc tranh cãi với người đang nổi giận. Điều này không dễ, đặc biệt trong tình huống đồng nghiệp hoặc cấp trên của bạn đang nổi nóng với bạn. Tuy nhiên, tham gia tranh cãi chỉ làm cho tình hình căng thẳng hơn. Hãy để cho họ có thời gian bình tĩnh lại, nhờ đó cả bạn và anh/cô ta đều có thể quay trở lại giải quyết vấn đề với cái đầu sáng suốt.
2. Phân tích tình hình
Đừng tự đặt mình vào trong cuộc nếu vấn đề không liên quan trực tiếp tới bạn. Hãy cân nhắc xem bạn có cần phải hành động gì không. Nếu những mâu thuẫn không liên quan trực tiếp đến bạn, nhưng bạn lại muốn bảo vệ đồng nghiệp của mình, có thể bạn sẽ lại trở thành nhân vật chính của sự chỉ trích.
3. Xác định cách tiếp cận
Khi bạn cho rằng bạn không thể để mọi việc trôi qua trong im lặng. Đồng nghiêp hay sếp của bạn đã vượt qua giới hạn, và ý nghĩ để mọi việc trôi qua khiến bạn cảm thấy không thỏa đáng. Hãy hành động phù hợp nhất với tình huống. Bạn có thể báo cáo lên cấp trên hay phòng nhân sự công ty nếu bạn nhận thấy có vấn đề cần được điều chỉnh. Một câu xin lỗi đơn giản không phải lúc nào cũng đủ xóa đi được những hành vi xúc phạm, tuy nhiên, lời xin lỗi khi có những ứng xử không phải phép luôn cần thiết và bạn xứng đáng được làm việc ở một môi trường lành mạnh.
Ngược lại, nếu anh/cô ta chỉ hơi nóng giận, bạn có thể tự xử lý tình huống. Thay vì yêu cầu nói chuyện ngay, bạn cho họ thêm một khoảng thời gian sau đó sẽ ngồi lại với nhau, giải thích với họ bạn cảm thấy cơn giận dữ là không có cơ sở và bạn không thoải mái. Những tình huống thực sự khiến bạn khó chịu hãy giải quyết luôn tránh để sự khó chịu trở nên tồi tệ hơn.
4. Tha thứ và bỏ qua
Làm việc nơi công sở không tránh được căng thẳng và rắc rối. Nhưng nếu bạn đã xử lý được tình huống và nhận được lời xin lỗi chân thành, hãy cho qua và tiếp tục công việc. Đừng cằn nhằn, ngồi lê đôi mách hay từ chối làm việc chung với anh/cô ta. Những hành động cạnh khóe hay giả vờ kiềm chế chỉ như ngọn lửa được đổ thêm dầu, có thể sẽ thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ khác.