PGS. TS Đỗ Minh Cương & NCS. Quách Thị Ngọc Hà đã nghiên cứu vấn đề này của thế giới và nước ta.
Ứng xử với bản thân
Thái độ sống chủ động, tích cực
Ứng xử với bản thân là cơ sở đầu tiên để con người phát triển năng lực và hiệu quả hoạt động. Đây là lĩnh vực hoạt động Phát triển bản thân/cá nhân hay còn gọi là “quản trị cuộc đời”.
Khổng Tử (551-479 Tr. CN), đã diễn giải nó theo một qúa trình gồm nhiều bước đi từ thấp lên cao: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong đó, cách thức quan sát, suy nghĩ về thế giới và bản thân mình là cơ sở tạo nên kết quả và quy trình tu thân - tề gia – trị quốc…
Ngay từ thời cổ đại ở Phương Đông, câu nói trên đã trở thành phương châm hành động và tâm thái sống, quy định văn hóa ứng xử của tầng lớp tinh hoa của xã hội - những người thuộc giới trí thức và quân tử. Điều mâu thuẫn trong quan điểm của Khổng Tử và Nho giáo là mặc dù có đề cao mục tiêu và giá trị dân giàu, nước mạnh nhưng họ lại đánh giá, xếp hạng thương nhân, doanh nhân ở mức thấp nhất trong xã hội “tứ dân”: sỹ, nông, công, thương.
Ngày nay, các doanh nhân xuất sắc nhất đều có thái độ tự tin, chủ động và tích cực và đam mê với công việc của mình. Họ đã vượt lên, tạo sự khác biệt với tư tưởng Nho giáo về công việc, nghề nghiệp kinh doanh. Họ được truyền cảm hứng từ chính các doanh nhân vĩ đại, coi sự thành đạt và cống hiến trong kinh doanh là đem lại lợi ích và kiến tạo giá trị cho toàn xã hội nên có thái độ tận tâm với công việc, sẵn sàng đương đầu và vượt qua các khó khăn, thách thức…Họ nằm trong số 10% người trên thế giới có niềm tin và quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực (theo cách tính của Adam Khoo, triệu phú người Singapore từ năm 26 tuổi). Họ dám bỏ học đại học hay các công các công việc tốt, có thu nhập ổn định, để theo đuổi nghề kinh doanh có nhiều rủi ro, mạo hiểm, để nắm bắt kịp các cơ hội lớn làm thay đổi cuộc đời, phát triển DN và quốc gia, nhất là trong điều kiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Có khát vọng lớn và quyết tâm chiến thắng
Bí mật của các doanh nhân xuất chúng là họ có một động lực và năng lượng làm việc vô cùng mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp. Điều này xuất phát từ suy nghĩ về mục đích, mục tiêu và khát vọng của họ trong kinh doanh.
Doanh nhân – Tổng thống Donal Trump thường khuyên những người trẻ phải nghĩ lớn, làm lớn; tại sao đã mất công nghĩ lại không dám nghĩ lớn? Và trong thực tế, ông là người dám nghĩ khác, làm khác, thậm chí còn đi ngược với số đông và dư luận xã hội để giành chiến thắng. Steve Jobs cũng đánh giá cao những người biết khát khao, đam mê, hết mình vì công việc, dù họ còn những ngây thơ, dại khờ.
Tham lam, hám lợi, tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách thường được coi là bản tính của doanh nhân? Song điều này hóa ra lại không đúng với các doanh nhân hiện đại xuất chúng đã kể trên và kể cả trong doanh sách 500 người thành công xuất sắc mà Napoleon Hill đã phỏng vấn từ những năm 20-30 của Thế kỷ XX trong cuốn sách nổi tiếng “Nghĩ giàu, làm giàu” của ông.
Những doanh nhân xuất sắc nhất kinh doanh không chỉ bằng mục đích và động cơ làm giàu cho cá nhân, gia đình mà còn bằng khát vọng tạo ra giá trị, sự hợp tác phát triển cho xã hội và “làm thay đổi thế giới” tốt đẹp hơn (như cách nói của Steve Jobs). Rất nhiều tiền, sự giàu có và nổi tiếng tự đến với doanh nhân, DN trong quá trình thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn nhất quán, có tính nhân văn của họ, thông qua cơ chế tâm lý tự kỷ ám thị, phát huy sức mạnh của tiềm thức và sự cố gắng không ngừng vượt qua các giới hạn của cá nhân và phát huy khả năng truyền cảm hứng cho cộng đồng DN. Doanh nhân Việt Nam ta dường như ngại nói đến ước mơ, khát vọng và mục tiêu của đời mình để xây dựng niềm tin, quyết tâm hành động cho bản thân và DN của mình. Cần thay đổi thái độ này.
Rèn luyện sức khỏe và học tập không ngừng
Phần lớn các doanh nhân xuất chúng đều có sức làm việc bền bỉ và sống thọ, ngoại trừ số ít người bị mắc các bệnh hiểm nghèo và gặp các tai nạn bất khả kháng. Bởi vì, họ là những người quý trọng sức khỏe và sự phát triển bản thân thông qua lối sống tích cực hoạt động, thể thao, sinh hoạt lành mạnh và học tập không ngừng.
Sức khỏe của doanh nhân chủ yếu đến từ cái tâm thái, tâm lý lao động tích cực, tạo giá trị và việc dưỡng tâm, dưỡng trí bằng học tập và đọc sách. Ở Việt Nam bạn có thể dễ dàng tìm được các sách dạy làm giàu, phát triển bản thân và quản trị kinh doanh của các doanh nhân tỷ phú, đa triệu phú nổi tiếng của thế giới đã dịch ra tiếng Việt như Anthony Robbins, Robert Kiyosaki, Blair Singer, Stenphen R. Covey, Adam Khoo…
Tôi thích nhất lời khuyên tạo ra sức khỏe bằng việc đọc sách hàng ngày của doanh nhân giàu thứ 2 và thứ 3 thế giới là Bill Gates và Warren Buffett. Lối sống giản dị, gìn giữ cuộc sống gia đình hạnh phúc và duy trì thói quen đọc sách là bí quyết gìn giữ sức khỏe chúng ta có thể học tập từ hai doanh nhân vĩ đại trên. Điều đáng lo ngại với nhiều doanh nhân Việt Nam hiện nay là sự hao tổn nguyên khí, sức khỏe của mình từ lối sống tiêu dùng xa xỉ, lạm dụng rượu bia và chơi bời vô mức độ…; họ dường như ít chịu đầu tư cho phát triển bản thân, ngại đọc sách và học hỏi bên ngoài. Trong chuyện này chúng ta cần học tập HLV Pack Hang Seo…
Ứng xử với công việc
Làm việc theo nguyên tắc, kế hoạch, kỷ luật
Muốn làm việc đạt hiệu quả và duy trì được tính hiệu quả đòi hỏi các doanh nhân lãnh đạo DN phải có phong cách làm việc gương mẫu - chuyên nghiệp, theo các nguyên tắc tôn trọng kế hoạch, mục tiêu và kỷ luật lao động. Bản tính con người thích được ứng xử tự do, tự chọn, không thích bị gò bó trong khuôn phép, kỷ luật. Song các doanh nhân, DN xuất sắc nhất lại có khả năng biến cái kỷ luật sắt thành văn hóa doanh nghiệp được mọi thành viên ứng xử một cách tự nguyện, tự giác, trở thành thói quen dẫn đến tốc độ làm việc nhanh, hiệu quả cao và sự phát triển bền vững, bao trùm. Ở nước ta hiện nay, dường như VHDN của Viettel, Vingroup…đã đạt tới lối ứng xử với như vậy.
Liêm chính, công bằng và thượng tôn pháp luật
Tỷ phú- triết gia về kinh doanh Warren Buffett đã nói về các tiêu chuẩn ông chọn và dùng lãnh đạo DN: "Bạn đang tìm kiếm 3 điều cơ bản ở một người: thông minh, giàu năng lượng và chính trực (integrity). Và nếu họ không có điều cuối cùng thì đừng để tâm tới hai điều trước đó’’. Sự chính trực hay liêm chính (integrity) vốn được coi là một phẩm chất cần có của đội ngũ cán bộ, công chức nay đã trở thành một tiêu chuẩn cơ bản của doanh nhân lãnh đạo DN.
Trên thế giới có nhiều doanh nhân thành đạt khi chuyển sang làm việc ở khu vực công quyền đã thể hiện được tấm gương về sự liêm chính và đổi mới. Sự liêm chính đã được xác định là một giá trị cốt lõi trong VHDN của Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Thế giới di động, và trở thành chuẩn mực trong VH ứng xử của DN này.
Sự liêm chính không chỉ đòi hỏi từ lãnh đạo xuống nhân viên trong DN không được tham nhũng, lãng phí, tư lợi mà còn cả lối ứng xử công bằng, minh bạch, thượng tôn pháp luật và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức cao. Chuẩn mực hành vi tốt đẹp này cần trở thành một phẩm chất đạo đức và thói quen ứng xử của một doanh nhân, DN có văn hóa tiên tiến ở nước ta hiện nay, kể cả đối với các DN vừa và nhỏ.
Với mọi người và xã hội
Kiến tạo, thực thi văn hóa làm việc khoa học, hiệu quả và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo
Các doanh nhân vĩ đại không chỉ là một tấm gương về lãnh đạo đổi mới sáng tạo mà còn là người kiến tạo, quản trị một nền văn hóa làm việc khoa học, hiệu quả cho DN và xã hội. Đó là phương thức Quản trị theo khoa học của Henry Ford, Quản trị tinh gọn của Toyota, phương thức Quốc gia khởi nghiệp của Israel…
Các công nghệ xanh, số hóa, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, chuyền đổi số, quản trị thông minh, mô hình kinh tế chia sẻ…được phát minh, phát triển từ các DN tiên tiến đang mở rộng áp dụng cho các cộng đồng, quốc gia. Cuộc cách mạng 4.0 đã mở ra các nhu cầu và cơ hội cho Việt Nam phát triển các DN như Honda, SamSung, Google, Facebook…trên nền tảng – con đường số hóa, được "cầm lái" bởi các doanh nhân có khát vọng và tầm nhìn lớn.
Thực hiện trách nhiệm xã hội của DN
Văn hóa ứng xử của doanh nhân, DN không thể thiếu việc thực hiện trách nhiệm với xã hội: với nhân viên, khách hàng, cổ đông, cộng đồng, nhà nước và xã hội trong các nghĩa vụ kinh tế, pháp luật, môi trường, đạo đức, nhân văn…Xã hội công nghiệp 4.0 đã đặt doanh nhân, DN thành nhân vật trung tâm trong mối quan hệ với xã hội và Nhà nước kiến tạo có trách nhiệm phục vụ cho họ phát triển. Mặt khác, Nhà nước và xã hội Việt Nam không dung thứ cho các doanh nhân thiếu đạo đức và văn hóa, làm giàu thiếu liêm chính và trách nhiệm với xã hội như đã xảy ra ở Vedan, Formusa, Vinashin, Vinalines, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đông Á…
Như vậy, có 7 nguyên tắc ứng xử và hoạt động của doanh nhân Việt Nam tiêu biểu giai đoạn hiện nay trong 3 mối quan hệ cơ bản của họ. Nếu thực hiện một cách nhất quán, thường xuyên và bền bỉ thì các nguyên tắc này sẽ trở thành các phẩm chất, tiêu chuẩn và giá trị của Văn hóa doanh nhân và VHDN Việt Nam, phù hợp với các yêu cầu và mục tiêu của Cuộc vận động Xây dựng VHDN Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động theo Quyết định số 1846/QĐ-TTg, ngày 07/11/2016.
Link gốc