Xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp phát triển bền vững, vì cộng đồng

Tháng cuối năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Sự tôn vinh này không chỉ khẳng định những thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh mà còn ghi nhận những đóng góp quan trọng của EVN trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng cũng như các hoạt động vì cộng đồng.

Lãnh đạo EVN ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt tháng 10/2020

Mô hình lý thuyết về phát triển bền vững cho thấy phát triển kinh tế, kinh doanh của quốc gia hay doanh nghiệp (DN) đòi hỏi các chủ thể phải duy trì sự tăng trưởng trong nhiều giai đoạn, đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, gìn giữ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Trong Văn hóa doanh nghiệp của EVN có tuyên bố một triết lý kinh doanh thể hiện quyết tâm rất cao đối với nghĩa vụ phát triển cộng đồng: “EVN phấn đấu để xứng đáng với niềm tin của đất nước và nhân dân”. Đây cũng là một chuẩn mực đạo đức của người EVN. Khẩu hiệu hành động của EVN: “Thắp sáng niềm tin” cũng nhấn mạnh tới sứ mệnh và mục tiêu chiến lược phát triển vì xã hội, thông qua các cộng đồng dân cư, nó rộng lớn hơn so với cộng đồng khách hàng.

Có thể khẳng định, EVN đã có nhiều hành động tích cực, hiệu quả, quy mô lớn về hoạt động phát triển cộng đồng nhưng số người ngoài ngành biết đến chưa nhiều. Để khắc phục được những hạn chế, thiết nghĩ EVN cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

Một là, EVN cần tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ và quản trị hiệu quả Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) của mình để làm nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững, với các hoạt động và mục tiêu chiến lược của mình, trong đó có hành động vì cộng đồng - xã hội. Công tác quản trị VHDN và công tác quản trị thương hiệu có liên quan mật thiết và tác động tương hỗ với nhau. Xây dựng được niềm tin, niềm tự hào về sứ mệnh, hiện thực hóa các giá trị của DN trong tổ chức sẽ tạo ra nội lực và sức mạnh lan tỏa VHDN ra các cộng đồng, tạo ra niềm tin của xã hội với EVN.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam trao khoản hỗ trợ cho Quỹ Tấm lòng Việt - Đài truyền hình Việt Nam để triển khai chương trình mổ mắt từ thiện

Hai là, EVN cần tiếp tục duy trì lâu dài và phát huy các giá trị của các hoạt động và sản phẩm vì cộng đồng kể trên để biến nó thành một phần của Văn hóa EVN. Đồng thời, cần cân nhắc kiến tạo thêm sản phẩm mới để phát triển cộng đồng có tính đặc sắc, có ảnh hưởng và giá trị xã hội cao hơn, đóng góp nhiều hơn về xây dựng niềm tin của cộng đồng xã hội đối với EVN. Các DN lớn có giá trị thương hiệu hàng đầu của nước ta hiện nay đều thành công với các sản phẩm - chương trình thiện nguyện vì cộng đồng đáp ứng xuất sắc các mục tiêu trên. Ví dụ, Viettel với chương trình “Trái tim cho em”, Vinamilk với 3 chương trình nổi bật: Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam”, Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, Quỹ học bổng “Vinamilk - Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam”. Vingroup với sản phẩm Quỹ Thiện tâm, gần đây nhất có sản phẩm thiện nguyện mang đẳng cấp thế giới là “Giải thưởng toàn cầu VINFUTURE”…

Hiện nay EVN có rất nhiều hoạt động vì cộng đồng nhưng chưa có chương trình thực sự nổi bật, tương xứng với tầm vóc của một DN lớn, được cộng đồng, xã hội biết đến. 

Ba là, EVN cần đầu tư nhiều hơn, quản trị truyền thông xã hội tốt hơn, tạo ra hiệu quả từ hoạt động vì cộng đồng cao hơn so với hiện nay. Theo quan điểm cá nhân, truyền thông ra ngoài của EVN đầu tư ít hơn và hiệu quả chưa cao so với truyền thông nội bộ. Đây là một sự lãng phí lớn về nội lực và của VHDN EVN. 


  • 04/04/2021 10:30
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1466