Phong cách lãnh đạo dân chủ

Chuyên gia có thể cho tôi biết phong cách lãnh đạo dân chủ là gì và những ưu, nhược điểm của phong cách lãnh đạo này được không?

Lê Thu Trang
20/09/2023

Trả lời

Gửi bạn Lê Thu Trang,

Phong cách lãnh đạo dân chủ, thuật ngữ gốc "Democratic Leadership Style", chỉ phong cách người lãnh đạo khuyến khích từng thành viên trong đội nhóm cùng tham gia vào quá trình ra quyết định bằng cách đưa ra những ý kiến của họ.

Ưu điểm của phong cách lãnh đạo dân chủ:

- Nhân viên gắn bó và nhiệt huyết hơn với công việc: Khi nhân sự được là một phần trong quá trình ra quyết định, họ sẽ cảm thấy được lắng nghe và được sếp đánh giá cao hơn. Kết quả, nhân sự sẽ gắn bó và hào hứng hơn khi làm việc. Đồng thời, việc được cho phép thực hiện những ý tưởng do chính bản thân đề xuất sẽ giúp nhân viên nhiệt huyết hơn, cố gắng đạt kết quả tốt nhất để "báo công" cho sếp.

- Đổi mới nhiều hơn: Khi tập trung "nhiều cái đầu với nhau" trong việc ra quyết định, người lãnh đạo sẽ nhận được nhiều ý tưởng đa chiều hơn. Điều này sẽ giúp đội nhóm phát hiện ra nhiều cách làm sáng tạo để kết quả công việc được tốt hơn, hoàn thành nhanh chóng hơn.

- Giảm thiểu tình trạng nghỉ việc: Phong cách lãnh đạo dân chủ giúp người sếp lắng nghe nhân viên của họ nhiều hơn. Sự hài lòng với công việc và cấp trên là một yếu tố lớn giúp nhân viên gắn bó hơn với doanh nghiệp và hạn chế tối đa tình trạng nghỉ việc của người lao động.

- Tăng cường sự gắn kết trong đội nhóm: Khi ai cũng được tham gia vào quá trình thảo luận để ra quyết định, những thành viên trong đội nhóm (bao gồm cả lãnh đạo) có cơ hội hiểu nhau hơn. Sự thấu hiểu sẽ giúp tạo ra tập thể gắn kết và cùng nhìn về một hướng.

Nhược điểm của phong cách lãnh đạo dân chủ:

- Ra quyết định chậm hơn: Việc đưa ra ý kiến, tranh luận có thể sẽ làm chậm đi quá trình ra quyết định của cả nhóm. Việc phải dành ra một cuộc họp để "brainstorm" (suy nghĩ để đưa ra ý kiến/giải pháp) có thể tốn quá nhiều thời gian, gây cản trở đối với những nhiệm vụ yêu cầu cần ra quyết định thật nhanh chóng.

- Hiệu suất có thể giảm sút: Một số nhân viên còn ít có kinh nghiệm hoặc chưa hiểu rõ công việc có thể đề xuất những giải pháp không triệt để hoặc thậm chí không chất lượng. Những ý kiến này nếu được thông qua và triển khai, chúng có thể kéo hiệu suất công việc của cả tập thể đi xuống.

- Gây ra những tranh cãi: Phong cách lãnh đạo dân chủ khuyến khích những thành viên trong nhóm cùng thảo luận để đề xuất ý kiến để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, không phải những cuộc thảo luận nào cũng đi đến thống nhất một cách dễ dàng.

Về mặt tinh thần, môi trường làm việc dân chủ giúp nhân sự cảm thấy bản thân được lắng nghe, được tôn trọng nhiều hơn và được đóng góp cho công việc. Từ đó, họ sẽ trách nhiệm hơn, nỗ lực nhiều hơn để công việc chung được tốt hơn.

Tuy nhiên, dù ở phong cách lãnh đạo nào chăng nữa, người đứng đầu vẫn phải là người chịu trách nhiệm chính. Riêng ở lãnh đạo dân chủ, họ sẽ cân nhắc giữa những ý kiến, giải pháp của các thành viên trong nhóm để đưa ra quyết định cuối cùng.

Trích sách “Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số" của nhà quản trị Mỹ - Shane Green, Nhà xuất bản Lao động, xuất bản tháng 5/2020.


  • 20/09/2023