Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến 2020.
Theo đó, về lĩnh vực đo, sẽ đầu tư phát triển chuẩn đo lường quốc gia các lĩnh vực đo phù hợp với các đơn vị đo lường pháp định của Việt Nam. Ưu tiên phát triển chuẩn đo lường quốc gia của các đại lượng cơ bản và dẫn xuất gắn liền với nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2015, phát triển, mở rộng phạm vi đo và nâng cao trình độ chuẩn đo lường của 13 chuẩn đo lường quốc gia đã được phê duyệt, gồm 4 đại lượng cơ bản: Độ dài, khối lượng, thời gian - tần số, nhiệt độ nhiệt động học; 9 đại lượng dẫn xuất: Dung tích, lưu lượng thể tích chất lỏng, lưu lượng thể tích và lưu lượng khối lượng chất khí, độ cứng, áp suất, điện áp một chiều, điện trở một chiều, công suất điện tần số công nghiệp, năng lượng điện tần số công nghiệp.
Công tác thí nghiệm công tơ điện tại Công ty Điện lực Tuyên Quang
|
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển mới 12 chuẩn đo lường quốc gia, gồm 3 đại lượng cơ bản: Cường độ dòng điện, cường độ sáng và lượng chất; 9 đại lượng dẫn xuất: Khối lượng riêng chất lỏng, độ nhớt động học, điện áp xoay chiều, điện áp tần số cao, công suất tần số cao, quang thông, liều hấp thụ, air kerma, liều tương đương.
Giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư phát triển mới 20 chuẩn đo lường quốc gia của các đại lượng dẫn xuất, gồm: Góc phẳng, lưu lượng khối lượng chất lỏng, vận tốc khí, lực, mômen lực, khối lượng riêng chất rắn, độ pH, độ ẩm không khí, độ tự cảm, điện dung, suy giảm tần số cao, trở kháng tần số cao, cường độ điện trường, mức áp suất âm thanh, rung động, độ chói, công suất laser, phổ phản xạ khuếch tán, phổ truyền qua, hoạt độ phóng xạ.
Về trình độ kỹ thuật và đo lường của chuẩn, sử dụng công nghệ chuẩn tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện duy trì, bảo quản, sử dụng tại Việt Nam; bảo đảm trình độ chuẩn tương đương với trình độ chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN.