Quy hoạch phát triển điện lực vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020

Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 8054/QĐ-BCT phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” do Viện Năng lượng lập, với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến gần 70.000 tỷ đồng.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau) có vị trí địa lý - kinh tế - chính trị chiến lược quan trọng với trên 700 km bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, đồng thời còn là trung tâm sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ hải sản lớn nhất cả nước.

Với định hướng quy hoạch, phát triển lưới điện truyền tải và phân phối đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của khu vực, cung cấp điện đảm bảo chất lượng và độ tin cậy ngày càng được nâng cao. Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ với các trung tâm nguồn điện trong khu vực, đảm bảo truyền tải an toàn, nâng cao độ tin cậy và hiệu quả vận hành hệ thống điện, phù hợp với chiến lược phát triển ngành điện, quy hoạch phát triển điện lực và các quy hoạch khác của vùng và các địa phương trong vùng.
 

Quy hoạch phát triển điện lực vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025

 
Với mục tiêu như trên, tổng nhu cầu điện thương phẩm của cả vùng ĐBSCL được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 13,9 %/năm giai đoạn 2011-2015; 13,8 %/năm cho giai đoạn 2016-2020 và 9,2 %/năm trong giai đoạn 2021-2025.
 
Quy hoạch cũng tính đến vùng ĐBSCL có tiềm năng tốt để xây dựng các trung tâm nguồn điện và đã được nghiên cứu quy hoạch phát triển các trung tâm nhiệt điện lớn (Ô Môn, Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Kiên Lương…), đáp ứng nhu cầu điện trong vùng và truyền tải cung cấp điện cho trung tâm phụ tải tập trung tại khu vực TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Theo đó, tổng công suất nguồn điện trong vùng đến năm 2015 đạt khoảng 2.910 MW, năm 2020 đạt 11.160 MW và tăng lên 16.410 MW vào năm 2025.
 
Về phát triển lưới điện truyền tải 500-220-110 kV toán khu vực đến năm 2020 như sau:
+ Lưới điện 500 kV: xây dựng mới và cải tạo nâng công suất tổng dung lượng trạm biến áp đạt 5.550 MVA và 851 km đường dây 500 kV.
+ Lưới điện 220 kV: khối lượng lưới điện xây mới và cải tạo đến năm 2020 tăng thêm 7.500 MVA công suất trạm biến áp và 1.366 km đường dây 220 kV.
+ Lưới điện 110 kV: khối lượng lưới xây mới và cải tạo sẽ tăng thêm đến năm 2020 là 8.361 MVA công suất trạm biến áp và 2.874 km đường dây 110 kV.
 
Quyết định của Bộ Công Thương cho biết: Tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến cho phát triển lưới điện vùng ĐBSCL khoảng 69.511 tỷ đồng, trong đó cho lưới điện 500 kV là 14.875 tỷ đồng, lưới 220 kV là 16.175 tỷ đồng, lưới 110 kV là 16.824 tỷ đồng, và lưới điện cấp cho trạm bơm là 2.253 tỷ đồng.
 
Quy hoạch phát triển điện lực vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 là cơ sở pháp lý quan trọng, bổ sung cho Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện VII) và các quy hoạch phát triển điện lực địa phương để Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, các Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện phát triển hệ thống điện khu vực.


  • 02/05/2013 04:04
  • Lương Văn
  • 7455