Theo Thông tư, tổng chi phí định mức hàng năm của khối nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ cần thiết của các nhà máy.
Bộ Công Thương giao trách nhiệm cho EVN xây dựng, ban hành định mức chi phí vật liệu phù hợp với đặc điểm kinh tế kỹ thuật, trang thiết bị của nhà máy để làm cơ sở tính toán chi phí định mức hàng năm của nhà máy, báo cáo Cục Điều tiết Điện lực tình hình thực hiện chi phí vật liệu thực tế hàng năm so với định mức được ban hành.
Thông tư cũng quy định một số vấn đề khác như tổng chi phí sửa chữa lớn (CSCL) của nhà máy được xác định theo tổng dự toán sửa chữa lớn cho các hạng mục đến hạn sửa chữa. Tổng chi phí dịch vụ mua ngoài của năm N (CMN) gồm: tiền nước, điện thoại, sách báo; chi phí điện mua ngoài; chi phí thuê tư vấn kiểm toán; chi phí thuê tài sản; chi phí bảo hiểm tài sản; chi phí xử lý bồi lắng lòng hồ và chi phí cho các dịch vụ khác được dự kiến trên cơ sở chi phí thực tế của năm N-2 và ước thực hiện năm N-1...
Trước ngày 15/10 hàng năm, EVN lập chi phí định mức áp dụng cho năm tới (năm N) của từng đơn vị phát điện trình Cục Điều tiết Điện lực thẩm định trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Hàng năm, EVN xác định giá trị phần vốn chủ sở hữu và đề xuất tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy để đảm bảo tổng chi phí phát điện và giá phát điện bình quân trong phương án giá bán điện hàng năm ở mức hợp lý nhưng không vượt quá mức tỷ suất lợi nhuận cho phép trong phương án giá điện hiện hành.
Thông tư số 46/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6 tháng 2 năm 2012.