Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định: Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN

Ngày 6/6/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 857/QĐ-TTg về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Logo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Điều lệ Tổ chức và hoạt động của EVN gồm 11 Chương và 67 Điều. Theo Điều lệ này, “Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” là nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (doanh nghiệp cấp I), các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo; các công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (doanh nghiệp cấp II); các công ty con của doanh nghiệp cấp II và các cấp tiêp theo; các doanh nghiệp liên kết của Tập đoàn.

EVN là công ty mẹ trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Vốn điều lệ của EVN là vốn do  Nhà nước đầu tư, tại thời điểm ngày 1/7/2010 là 76.742 tỷ đồng.

EVN đặt trụ sở chính tại số 18 phố Trần Nguyên Hãn, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Mục tiêu hoạt động của EVN thể hiện rõ qua 3 tiêu chí:

Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác;

Giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối. Có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao. Kinh doanh đa ngành, trong đó sản xuất, kinh doanh điện năng là ngành, nghề kinh doanh chính. Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất kinh doanh với khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai đào tạo, làm nòng cốt để ngành điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, canh tranh và hội nhập kinh tế có hiệu quả;

Tối đa hóa hiệu quả hoạt của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.

Theo Điều lệ được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, ngành, nghề chính gồm: - Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; - Xuất nhập khẩu điện năng; - Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; 4- Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, công trình điện, thí nghiệm điện.

EVN được kinh doanh 6 ngành, nghề kinh doanh khác có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính như: Xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện; xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị nhà máy điện, thiết bị đường dây và trạm biến áp, thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin…

Cũng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngoài các ngành, nghề trên, EVN còn kinh doanh các ngành, nghề khác gồm: kinh doanh khách sạn, du lịch. Truyền thông, quảng cáo, thông tin đại chúng. Đầu tư kinh doanh bất động sản; cho thuê văn phòng; đầu tư, kinh doanh cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp.  

 

 

QD857TTG phe duyet Dieu le EVN.PDF


  • 12/07/2011 12:00
  • Tạp chí Điện lực
  • 6319