Đổi mới sáng tạo mở: Cần nhiều tập đoàn “mở” cùng startup

Đại diện các tập đoàn lớn trên toàn cầu và các chuyên gia trong và ngoài nước đã gặp gỡ tại sự kiện về Đổi mới sáng tạo mở - Open Innovation Day - TechTraverse 2023 tại TP.HCM. Tại đây, họ đưa ra những “thách thức” và phương pháp "đổi mới sáng tạo mở" để các nhà khởi nghiệp (startup), nhà nghiên cứu, công ty công nghệ cùng tham gia giải quyết các bài toán kinh doanh một cách hiệu quả.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng NATEC (Thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã liên tục phát triển, vươn lên từ vị trí 72 hồi năm 2019 lên vị trí 54 trên thế giới vào năm 2022. Trong đó, hệ sinh thái này ở Hà Nội và TP.HCM đã nhiều năm nằm trong danh sách 200 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động nhất thế giới.

Phần tọa đàm về kinh nghiệm phát triển Đổi mới sáng tạo mở trên thế giới.

Theo ông Quất, đổi mới sáng tạo mở là công cụ khai phóng nguồn lực mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Thông qua đó, các nguồn lực từ tập đoàn, tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương, đặt ra các thách thức, thu hút những giải pháp đổi mới sáng tạo từ cộng đồng.

“Có thể Việt Nam không bằng thế giới ở cơ sở hạ tầng công nghệ hay nguồn vốn đầu tư lớn từ chính phủ nhưng lại được thừa nhận ở lợi thế về con người. Điều này đã và đang giúp Việt Nam vươn lên thứ bậc khá cao trên bản đồ khởi nghiệp”, ông Quất nói.

Dẫu vậy, ông Quất nhấn mạnh, cần có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp chấp nhận làm “chuột bạch” để thử nghiệm sản phẩm của startup.

Ngoài việc hỗ trợ về tài chính, ông Quất hi vọng các doanh nghiệp dành nhiều thời gian và tâm huyết, cũng như chia sẻ “một phần miếng bánh” của mình, để cùng phát triển những ý tưởng sáng tạo hướng đến tới tương lai.

Đặt ra “thử thách” để đổi mới

Trong khuôn khổ của sự kiện này, Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ (OITI) đã chính thức công bố nền tảng Open Innovation Challenge (OIC), openinnovation.vn, sáng kiến được đồng hành với đối tác chiến lược Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Đây là nơi gợi mở các tiếp cận mới từ thị trường tới khách hàng bằng việc kết nối doanh nghiệp, tập đoàn gặp thách thức và cá nhân, startup có sáng kiến, để từ đó thúc đẩy những đột phá mới của các ngành, lĩnh vực trong nước.

Đại diện cho các tập đoàn lớn đưa ra “thách thức” cho các startup tại sự kiện, bà Trần Phương Nga - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long cho biết, hàng năm có hơn 1 tỷ sản phẩm được Thiên Long đưa ra thị trường trong và ngoài nước; trong đó có những sản phẩm có giá trị nhỏ như chiếc bút bi nhưng có nhu cầu về hàm lượng trí tuệ rất lớn.

“Thiên Long đang chuẩn bị thách thức cho các startup để giúp chúng tôi phát triển các sản phẩm ‘eco’ bền vững, phục vụ bảo vệ môi trường. Chúng tôi chấp nhận đầu tư giải những bài toán này với tinh thần phải đi sớm, đi tiên phong”, bà Nga cho hay.

Ông Trần Viết Huân - Giám đốc công nghệ Tập đoàn Sơn Kim (Quản lý chuỗi G25), cũng nhấn mạnh về việc cùng đổi mới (co-innovation) giữa tập đoàn và startup để đôi bên cùng có lợi (win-win). Ông cho biết, ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế hơn so với các tập đoàn lớn thế giới, do đó thông qua việc hợp tác với các công ty công nghệ nói chung và các startup nói riêng có thể tận dụng được sự sáng tạo của hệ sinh thái, giảm thời gian phát triển giải pháp ra thị trường.

Chia sẻ một số điển hình thành công của sự kết hợp giữa tập đoàn và startup, bà Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Qualcomm, cho biết cuộc thi Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam (QVIC) của tập đoàn được triển khai 4 năm qua đã lựa chọn tài trợ và đào tạo cho 29 startup Việt có công nghệ sâu trong các lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, robotics, thành phố thông minh… Dưới sự hỗ trợ của tập đoàn, các doanh nghiệp này đã khởi tạo hơn 52 bằng sáng chế, huy động được hơn 30 triệu USD vốn đầu tư, cũng như liên tục được hỗ trợ về kỹ thuật từ chuyên gia và nền tảng công nghệ mạnh mẽ của Qualcomm.

Ông Đặng Trường Thạch - Phó tổng giám đốc Công ty hệ thống thông tin FPT, chia sẻ về cách thức mà doanh nghiệp của ông khuyến khích phát triển sáng kiến và xây dựng văn hóa chuyển đổi số từ “DNA công nghệ” trong hơn 60.000 nhân viên, triển khai hơn 4.000 sáng kiến, giúp tăng 30% năng suất làm việc tại FPT, cũng như tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho các đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Ngọc Thức - Giám đốc công nghệ của Nokia Việt Nam đã chia sẻ những đóng góp quan trọng trong việc phát triển thế hệ mạng di động không dây 5G để đóng góp vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chung của nhiều ngành công nghiệp.

Kinh nghiệm phát triển đổi mới sáng tạo mở trên thế giới

Nói về kinh nghiệm phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo mở trên thế giới, ông Raimund Klein - Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Trung tâm chuyển đổi công nghiệp toàn cầu (INCIT), đưa ra hai nền tảng riêng biệt: nền tảng đổi mới sáng tạo dựa trên thách thức (challenge-based innovation platform) và dựa trên giải pháp (solution-based innovation platform).

Với nền tảng dựa trên thách thức, các doanh nghiệp, cụ thể là các nhà sản xuất, tổ chức đã định hình và trình bày được những vấn đề mà họ gặp phải, từ đó nền tảng sẽ kết nối họ với những sản phẩm và dịch vụ đổi mới phù hợp dựa trên phân loại các lĩnh vực cụ thể.

Ngược lại, nền tảng dựa trên giải pháp lại tập trung trình bày những công nghệ và sáng kiến được phân loại theo nhóm vấn đề, từ đó các doanh nghiệp, tập đoàn có thể tìm kiếm và khám phá những giải pháp mới phù hợp dựa trên những ưu tiên riêng của mình.

Ông Raimund Klein nhấn mạnh: “Các đổi mới sáng tạo đều cần các nguồn lực từ phía bên trong và bên ngoài. Thử thách của đổi mới sáng tạo mở là các tập đoàn chưa hoàn toàn mở, bởi tính cạnh tranh từ thị trường. Điều cần giải quyết chính là tìm được tiếng nói chung giữa các bên”.

Link gốc


  • 03/08/2023 02:46
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 3761