Còn nhiều thách thức
Chiều 19/7, tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tối ưu hóa khai thác tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam”.
Tọa đàm thu hút hơn 130 đại biểu từ các chuyên gia, tổ chức môi trường, đối tác ... cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình quản lý và xử lý rác thải tại Việt Nam.
Tọa đàm trực tuyến “Tối ưu hóa khai thác tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam”.
|
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2019 lượng chất thải rắn sinh hoạt đến từ các đô thị vào khoảng 35,6 nghìn tấn/ngày, so với 28,4 nghìn tấn/ngày từ khu vực nông thôn, dù dân số nông thôn cao gấp hai lần đô thị.
Tuy nhiên phương thức quản lý và xử lý rác thải áp dụng hiện nay còn khá hạn chế, các công nghệ xử lý rác thải rắn, nhất là công nghệ phát điện từ rác, còn gặp nhiều thách thức để phù hợp với môi trường, khí hậu nói chung và chiến lược phát triển ngành điện nói riêng.
Tại hội thảo, bà Trần Hải Anh, chuyên gia năng lượng chia sẻ các công nghệ xử lý chất thải rắn đã và đang áp dụng ở Việt Nam và thế giới, trong đó có công nghệ đốt rác phát điện.
Câu hỏi đặt ra là liệu rác ở Việt Nam có đốt được không, trong khi rất nhiều nhà máy đốt rác phát điện trên thế giới đã bị phá sản?
Bà Trần Hải Anh cho biết, các nhà khoa học Thụy Sỹ đã tìm ra nguyên tắc, muốn đốt rác mà không dùng dầu thì nhiệt trị của rác từ 1.000 kcl/kg trở lên. Nhiệt trị của rác quyết định tính khả thi của công nghệ đốt rác phát điện. Ngân hàng Thế giới cũng đã công bố sổ tay đánh giá nhanh các dự án phát điện trên thế giới.
Theo đó, công nghệ này không khả thi nếu thành phần hữu cơ trong rác lớn hơn 50%, chất trơ lớn hơn 15%. Chi phí đầu tư 1 tấn rác thải là 100 - 200 USD, doanh thu bán điện chỉ chi trả được 15% chi phí.“Do vậy, tính khả thi về mặt kinh tế cũng là một trong những điều kiện tiên quyết trong viêc lựa chọn công nghệ phù hợp” – Bà Trần Hải Anh nhấn mạnh.
Chọn công nghệ nào để xử lý rác thải ở Việt Nam hiệu quả?
Năm 2019, ở Việt Nam chỉ 85% lượng rác thải rắn thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, tăng 10% so với mức 75% của năm 2015. Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng tỷ lệ xử lý này lên 90% với rác thải ở đô thị và 85% ở khu vực nông thôn, phấn đấu xử lý 100% vào năm 2050.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả và chuyên gia cùng thảo luận về các kinh nghiệm xử lý rác cùng những công nghệ xử lý rác trên thế giới và khả năng áp dụng vào Việt Nam một cách hiệu quả nhất, để biến rác thành tài nguyên, góp phần giúp nước ta phát triển nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo bà Trần Hải Anh, thay vì dùng công nghệ đốt rác, có nhiều công nghệ hiệu quả hơn như công nghệ chế biến nhiên liệu từ rác thải rắn. Đặc trưng của rác thải rắn là có nhiệt trị cao từ 3.000 - 3.500 kcl/kg, chi phí sản xuất khoảng 50 USD/tấn.
Hiện, có rất nhiều công nghệ nên được cân nhắc bởi suất đầu tư thấp, hiệu quả cao, bảo vệ môi trường. Ví dụ như công nghệ thủy phân nhiệt xử lý bùn cống và rác hữu cơ, thực chất là đun rác ở nhiệt độ và áp suất khác nhau nhằm hạn chế việc tiêu tốn nước, tăng tối đa khả năng phân giải.
Ở các nước đang phát triển, một công nghệ phù hợp là khi công nghệ này có chi phí thấp nhất, khả thi về mặt kỹ thuật và pháp lý, bảo đảm hiệu quả xử lý ô nhiễm và khả năng chấp nhận của cộng đồng.
Như vậy, có thể thấy các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn đã được chú trọng phát triển, tuy nhiên các công nghệ phát điện từ rác thải còn gặp nhiều thách thức về phương pháp khai thác, tài chính, tiêu chuẩn môi trường… và chiến lược phát triển ngành Điện.