Chương III của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ( Quyết định 37 ) đã quy định rõ về “ Cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió”, vấn đề lâu nay các nhà đầu tư điện gió đang chờ đợi. Khoản 1, Điều 14 Quyết định này quy định: “ Bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị trực thuộc được ủy quyền) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các Dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/ kwh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 7,8 UScents/kwh). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/ USD”. Như vậy, các chủ dự án điện gió đã biết được chính xác “đầu ra” của sản phẩm mà mình đầu tư ở từng thời điểm cụ thể. Theo ông Đinh Huy Hiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội điện gió Bình Thuận, việc quy định giá bán điện rõ ràng như vậy đã cung cấp thông số quan trọng về “đầu ra”, tạo thuận lợi cho việc lập báo cáo đầu tư các dự án điện gió sắp tới.
Về phía bên mua điện, khoản 2, Điều 14 Quyết định 37 cũng quy định rõ: “ Nhà nước hỗ trợ giá cho bên mua điện đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kwh ( tương đương một UScents/kwh) thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Đối với các dự án điện gió không đấu nối với lưới điện quốc gia như tại các hải đảo, ngoài các ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí; về hạ tầng đất đai, còn nhận được sự ưu đãi đặc biệt về giá bán điện. Khoản 2, Điều 15 Quyết định 37 quy định: “Chủ đầu tư xây dựng đề án giá điện và xác định tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trình Bộ Công thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Dự án điện gió do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang triển khai tại đảo Phú Quý (Bình Thuận ) với tổng công suất 6 MW chắc chắn sẽ được hưởng các ưu đãi như thế.
Quyết định 37 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-8 năm nay .