Thông tư của Bộ Công Thương quy định: Việc dán nhãn năng lượng là yêu cầu bắt buộc đối với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 51/2011/QĐ - TTg ngày 12 tháng 9 năm 2011. Đồng thời, Thông tư cũng khuyến khích các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng không thuộc Danh mục này thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức tự nguyện. Ngoài ra, Thông tư còn quy định trình tự, thủ tục chỉ định phòng thử nghiệm và công nhận kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm ở nước ngoài đối với việc thử nghiệm các phương tiện, thiết bị dán nhãn.
Đối với thủ tục dán nhãn năng lượng, Thông tư có sự phân biệt giữa phương tiện, thiết bị được sản xuất trong nước và phương tiện, thiết bị nhập khẩu. Trong đó, phương thức chứng nhận dán nhãn cho phương tiện, thiết bị sản xuất, bao gồm các bước: (i) Thử nghiệm mẫu điển hình; (ii) Đánh giá điều kiện sản xuất (tại cơ sở sản xuất); (iii) Cấp giấy chứng nhận và (iv) Giám sát sản phẩm, hàng hoá sau chứng nhận. Giấy chứng nhận dán nhãn của phương tiện, thiết bị được sản xuất có thời hạn tối đa là 3 năm. Ba tháng trước khi hết hiệu lực của giấy chứng nhận, doanh nghiệp sản xuất phải nộp hồ sơ chứng nhận lại tới Bộ Công Thương.
Còn đối với phương tiện, thiết bị nhập khẩu thì các bước chứng nhận dán nhãn, bao gồm: (i) Thử nghiệm mẫu điển hình; (ii) Đánh giá thực tế (kho, bãi); (iii) Cấp giấy chứng nhận cho từng lô. Theo đó, giấy chứng nhận dán nhãn của các phương tiện, thiết bị nhập khẩu chỉ có giá trị cho từng lô hàng nhập khẩu. Khi có sự thay đổi về xuất xứ hàng hóa hoặc địa điểm nhà máy sản xuất hoặc model hoặc thiết kế kỹ thuật thì doanh nghiệp nhập khẩu phải đánh giá, chứng nhận lại.