Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án: Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam

Ngày 8/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg phê duyệt đề án: Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, với mục tiêu nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.

Theo quyết định phê duyệt đề án: Lưới điện thông minh tại Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và góp phần bảo vệ môi trường, phát triết kinh tế, xã hội bền vững.

Những mục tiêu cụ thể

Mục tiêu cụ thể của đề án này là xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và tăng cường hệ thống giám sát, điều khiển tự động cho hệ thống điện, hệ thống đo đếm từ xa.

Đồng thời, nâng cao khả năng dự báo nhu cầu phụ tải điện và lập kế hoạch cung cấp điện; hạn chế việc tiết giảm điện do thiếu nguồn thông qua cơ chế dịch chuyển phụ tải đỉnh trong giờ cao điểm hoặc trường hợp khẩn cấp.

Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện: Chỉ số tần suất mất điện trung bình của hệ thống giảm 10%. Trang bị các trang thiết bị tự động hóa và điều khiển để tăng năng suất lao động, giảm số người trực tại các trạm biến áp 110 kV còn từ 3-5 người/trạm…

Thực hiện các giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý nhằm mục tiêu giảm tổn thất điện năng trong hệ thống truyền tải và phân phối điện từ 9,23% năm 2011 xuống còn 8% vào năm 2015.

Đặc biệt, Đề án cũng sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được chủ động biết và quản lý các thông tin chi tiết về sử dụng điện, chi phí mua điện.

3 giai đoạn phát triển lưới điện thông minh

Đề án định hướng lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam theo 3 giai đoạn. Cụ thể:

Giai đoạn 1 (từ năm 2012-2016): Triển khai chương trình tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện, trong đó sẽ triển khai các ứng dụng nhằm tăng cường độ tin cậy, tối ưu vận hành lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối, giảm tổn thất điện năng; tăng cường hệ thống ghi sự cố, hệ thống phát điện và chống sự cố mất điện diện rộng nhằm đảm bảo truyền tải an toàn trên hệ thống điện 500 kV.

Trong giai đoạn này cũng sẽ triển khai một số chương trình thử nghiệm và nghiên cứu, ban hành các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cho lưới điện thông minh...

Giai đoạn 2 (2017-2022): Tiếp tục thực hiện chương trình tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện, tập trung vào lưới điện phân phối; trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông cho lưới điện phân phối. Đồng thời, triển khai các ứng dụng của lưới điện thông minh; xây dựng các quy định kỹ thuật; chương trình truyền thông cho cộng đồng.

Giai đoạn 3 (từ sau năm 2022): Tiếp tục chương trình trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông cho lưới phân phối, trong đó sẽ triển khai tiếp các công cụ tối ưu vận hành từ lưới điện truyền tải sang lưới điện phân phối; tiếp tục khuyến khích việc phát triển các nhà máy điện phân tán...

Thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Công Thương

Bộ Công Thương được giao chủ trì thực hiện thành lập Ban Chỉ đạo phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam do một lãnh đạo Bộ Công Thương là Trưởng ban, Cục Điều tiết Điện lực là cơ quan thường trực; tổ chức thực hiện xây dựng và phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam theo đúng lộ trình đã được phê duyệt.

Tại quyết định số 1670/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, EVN được giao lập kế hoạch cụ thể để thực hiện các chương trình, đề án, các nhóm công tác cho từng giai đoạn; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ quản lý vận hành hệ thống lưới điện thông minh trong tương lai…

Theo đề án của Thủ tướng: Xây dựng cơ sở hạ tầng cho điều khiển tự động hệ thống điện và đo đếm từ xa với những mục tiêu chính:

Đến năm 2013: Thiết lập hoàn chỉnh hệ thống thu thập số liệu, giám sát điều khiển SCADA, hệ thống đo đếm từ xa tới toàn bộ các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30 MW, các trạm biến áp từ 110 kV trở lên trong hệ thống điện.

Đến năm 2016: Khai thác được toàn bộ các chức năng của hệ thống quản lý năng lượng (EMS) trong hệ thống SCADA/EMS tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền.

Đến năm 2022: Hệ thống SCADA/DMS cho các tổng công ty điện lực, hệ thống đo đếm từ xa được đầu tư hoàn chỉnh tới tất cả các khách hàng sử dụng điện lớn.

 

 

QD so 1670.pdf


  • 10/11/2012 11:48
  • Lương Nguyên
  • 5365