Chị Nguyễn Thị Bích Liên
|
Từng ước mơ thành giáo viên mầm non
Chị Bích Liên chia sẻ, thưở nhỏ chưa từng nghĩ đến một ngày sẽ trở thành công nhân điện. Vốn sẵn sở thích ca hát, diễn kịch, lại ngày ngày đi qua trường mầm non, nhìn lũ trẻ con bụ bẫm xúm xít quanh các cô giáo tập hát, tập múa, chị ước mơ trở thành cô giáo mầm non.
Tuy nhiên, sau này, với sự định hướng của cha mẹ và đặc biệt là người anh trai cũng làm trong ngành, chị quyết định theo học nghề điện và gắn bó với công việc vận hành trạm biến áp từ năm 1994 tới nay.
Chị Liên nhớ lại, thời gian đầu mới đi làm chưa thấy công việc này thú vị. Nguyên nhân là đi ca kíp vừa vất vả, lại chẳng được mặc quần áo đẹp, ngày nào cũng chỉ có bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình. Thậm chí, hồi mới ra trường, chị vẫn là một cô nhóc sợ… ma. Có lần sự cố mất điện toàn trạm, buộc phải ra ngoài kiểm tra mà 2 đầu gối run lẩy bẩy - chị tâm sự.
Ban đầu, chị làm việc tại Trạm 220 kV Ninh Bình. Đến năm 2000 chuyển về Trạm 220 kV Mai Động. Chị bảo, phụ nữ làm công tác vận hành trạm vốn rất ít nên ở đâu cũng được “cánh mày râu” trong đơn vị ưu ái lắm. Các anh luôn hỗ trợ gánh vác những phần việc nặng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chị, làm nghề nghiêm túc, muốn trưởng thành thì “tự mình phải vượt qua khó khăn chứ không thể dựa dẫm vào người khác”.
Anh Vũ Văn Dũng, Trưởng Trạm biến áp 220 kV Mai Động cho biết, dù là nữ vận hành trạm duy nhất ở đơn vị, nhưng chị Liên không bao giờ nề hà khó khăn vất vả trong công việc. Chị cũng đi ca kíp, trực đêm như các đồng nghiệp nam. Trong ca trực, chị luôn chấp hành tốt kỷ luật vận hành, thực hiện đúng quy trình quy phạm, tích cực kiểm tra thiết bị, phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để sửa chữa tránh sự cố và hư hỏng thiết bị. Với bề dày kinh nghiệm cùng với tinh thần không ngừng học hỏi nên chị Liên là một trực phụ vận hành trạm giàu kinh nghiệm, thậm chí nam giới cũng phải nể phục.
Chu toàn việc nước, việc nhà
Chị tâm sự, phụ nữ vừa hoàn thành công việc xã hội, vừa chu toàn vai trò làm mẹ, làm vợ trong gia đình, nhất là giai đoạn con còn nhỏ, quả thực rất khó khăn. Nhờ lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện nên khi cậu con trai đầu lòng (nay cháu đã học lớp 8) được 1,5 tuổi chị mới phải đi ca. Trong ca trực chiều đầu tiên ấy, chị đã rơi nước mắt vì nhớ con, cứ lo không biết cháu ở nhà có quấy khóc không, có chịu ăn không,... Hồi đầu, con chị cũng bám mẹ lắm, nhưng sau được “tôi luyện” nên rất ngoan. Chị sẽ không bao giờ quên được hình ảnh con trai vẫy vẫy bàn tay nhỏ xíu chào mẹ mỗi khi chị bảo con “Mẹ đi làm nhé!”. Rồi cũng có những đêm con thèm hơi mẹ không chịu ngủ, nhất quyết chờ đến khi mẹ đi làm về, lúc đó đồng hồ đã chỉ 12h đêm. Đó là chưa kể những khi con ốm, con đau thì người trực trạm như chị không thể xin nghỉ ngay được,…
Bây giờ, các con chị dù đang tuổi ăn tuổi học nhưng nhờ được bố mẹ rèn luyện từ nhỏ nên rất tự lập, có thể tự chăm sóc bản thân, tự nấu ăn, nhắc nhở nhau học tập nếu cả bố và mẹ đều phải đi làm đêm.
Chị tự hào kể chuyện về cô con gái út. Cháu mới học lớp 5 nhưng rất tâm lý và hiểu chuyện. 2 mẹ con như 2 người bạn. Chị nấu cơm thì con biết phụ mẹ nhặt rau, còn tỉ tê tâm sự chuyện lớp, chuyện trường. Năm ngoái, Công ty Truyền tải điện 1 tổ chức hội thi nữ công nhân viên chức lao động, chị là tổ trưởng tổ nữ công của Trạm nhưng lại e ngại mình "có tuổi" thì có nên “đánh liều” đi thi nữa hay không. Người đầu tiên chị hỏi ý kiến chính là con gái mình. Cô bé đã hết lòng động viên mẹ phải tự tin tham gia. Và trong hội thi ấy, chị đạt giải tài năng với một tiểu phẩm tự biên tự diễn.
Hỏi chị làm thế nào cân bằng được cả công việc ngoài xã hội lẫn việc trong gia đình, chị chia sẻ chẳng có "bí kíp" gì ngoài việc tự yêu cầu bản thân phải luôn luôn cố gắng. Thêm nữa, nếu không có sự tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị, sự yêu thương và hỗ trợ của gia đình, đặc biệt là người chồng cùng công tác trong ngành thì chị không thể làm tròn cả 2 vai như vậy.
20 năm gắn bó với nghề, chị thầm cảm ơn sự định hướng của bố mẹ và anh trai năm xưa vì đó là quyết định hoàn toàn chính xác. “Được góp phần giữ gìn ánh sáng cho người dân Thủ đô, điều đó rất đáng để tự hào” – chị tâm sự.
- Năm 2011, chị Nguyễn Thị Bích Liên được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và Công đoàn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tặng Giấy khen về những thành tích trong công tác và các hoạt động phong trào.
- Ngoài ra, chị được Công đoàn Công ty Truyền tải điện 1 tặng Giấy khen trong nhiều năm.
|