Kinh nghiệm “thu phục” nhân viên dưới quyền thiếu hợp tác

Xin chuyên gia hãy tư vấn giúp tôi kinh nghiệm để có thể làm việc hiệu quả với nhân viên khó bảo, hay cãi lời sếp?

Nguyễn Hải Bắc
11/07/2023

Trả lời

Gửi bạn Nguyễn Hải Bắc,

Phải làm việc cùng một nhân viên khó bảo thật là một áp lực. Nếu để vấn đề này kéo dài dai dẳng, sếp mới sẽ chẳng thể dồn trọn tâm trí cho công việc được. Dưới đây là những kinh nghiệm tổng hợp từ những nhà quản trị thành công trong công tác lãnh đạo nhân sự:

- Điềm tĩnh và bình tĩnh: Tạm gác thái độ dùng dằng, thiếu hợp tác của nhân viên đó lại, tìm một không gian có thể giúp bạn điềm tĩnh. Hãy cảm thấy may mắn vì bạn đã biết có một nhân viên khó bảo dưới quyền mình, so với ngấm ngầm chống đối thì khó bảo ra mặt vẫn tốt hơn.

- Tìm nguyên nhân khiến nhân viên không hợp tác cùng bạn: Quan sát nhân viên khi làm việc, đặt mình vào vị trí của nhân viên để cảm nhận những vấn đề từ công việc đến cuộc sống mà họ đang gặp phải. Hoặc bí mật nhờ người thân tín tiếp cận điều tra lý do của sự khó bảo này… Biết được nguyên nhân mới có thể tìm cách xử lý tốt nhất.

- Hẹn gặp riêng nhân viên khó bảo: Nhân viên đã có thái độ chống đối, đã có sự kích động trong lời nói khi làm việc với sếp, như vậy, không gian và thời gian cho cuộc gặp riêng cần được cân nhắc. Tốt nhất là ngày làm việc cuối cùng trong tuần,và cuối giờ của ngày làm việc đó. Khi đó, nhân sự đã rời văn phòng,nếu lỡ có những tranh cãi to tiếng cũng không ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn. Thời điểm cuối tuần cũng cho nhân viên thời gian tĩnh tâm suy nghĩ về những gì đôi bên trao đổi trong cuộc gặp.

- Chân thành lắng nghe nhân viên: Nguyên nhân khiến nhân viên có thái độ chống đối, bạn đã điều tra được. Nếu đó là những lý do tiêu cực, ganh ghét vô cớ thì hãy dùng năng lực và quyền lực để khắc chế sự khó bảo đó. Còn nếu nguyên nhân liên quan đến những vấn đề công việc, do những áp lực, bất mãn dồn nén từ bao thế hệ sếp trước mà ra thì bạn hãy ngồi lại, lắng nghe những trăn trở, những nỗi khó khăn, bất công mà nhân viên đó đã từng gặp phải. Đó cũng là những bài học quan trọng dành cho bạn trong công tác quản lý nhân sự.

- Chứng minh năng lực chuyên môn của sếp: Muốn mọi nhân viên tin tưởng và nghe theo bạn, bạn cần chứng minh mình xứng đáng với vị trí sếp này. Dù phải một lúc dung hòa giữa chuyên môn và nhân sự, nhưng bạn cũng đừng lơ là trau dồi nghiệp vụ của bản thân.

- Dùng biện pháp mạnh thức tỉnh nhân viên khó bảo: Một khi bạn đã nỗ lực giữ nhân viên đó nhưng thái độ của họ vẫn không có sự cải thiện, đề xuất thuyên chuyển nhân sự là điều cần làm. Đây là giải pháp cuối cùng cho mục đích thu phục nhân viên khó bảo. Một tập thể muốn phát triển cần những nhân tố đồng lòng, giữ lại nhân viên chống đối, họ có thể lan tràn sự tiêu cực đến những nhân sự khác.

Trích sách “Bản đồ tư duy công việc” do nhà tâm lý học Tony Buzan, NXB Thanh niên xuất bản tháng 10/2018.


  • 12/07/2023