Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng là: Cục Điều tiết điện lực; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; tổ chức, cá nhân bị điều tra, xử phạt vi phạm và tổ chức cá nhân có liên quan đến việc điều tra, xử phạt vi phạm.
Việc tiến hành điều tra vi phạm được thực hiện bao gồm các bước sau: Ra quyết định điều tra vụ việc vi phạm; tiến hành điều tra vụ việc vi phạm; tổ chức trưng cầu giám định các chứng cứ, tang vật, phương tiện, tài liệu liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm; cơ chế, thủ tục điều tra bổ sung trong trường hợp cần xác minh, làm rõ thêm một số nội dung; ban hành kết luận điều tra và gửi cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong trường hợp hết thời hạn điều tra mà không xác định được hành vi vi phạm; cá nhân thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm đã chết hoặc tổ chức thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm đã chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; thời hiệu xử phạt vi phạm đã hết thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm có trách nhiệm ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ việc vi phạm, Quyết định đình chỉ điều tra phải ghi rõ lý do và được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan.
Sau khi xác định hành vi vi phạm, người có thẩm quyền thực hiện việc xử phạt vi phạm phải ra Quyết định đình chỉ hành vi vi phạm và lập Biên bản vi phạm pháp luật, sau đó ra quyết định xử phạt vi phạm đồng thời buộc các tổ chức, cá nhân vi phạm phải chấp hành Quyết định xử phạt.
Thông tư số 27/2011/TT-BCT cũng quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, cụ thể là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc điều tra, xử phạt vi phạm có trách nhiệm hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết, liên quan đến vụ việc vi phạm theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp không cung cấp được thông tin, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 9 năm 2011.