5 năm tiết kiệm 2,1 tỷ kWh nhờ giảm tỷ lệ tổn thất điện năng

Đây là con số được đưa ra trong Hội nghị tổng kết Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010 do Bộ Công thương tổ chức sáng nay 15/12/2010. Sau 5 năm triển khai rộng khắp, có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực và các tỉnh, thành phố, chương trình đã thu được những thành công đáng khích lệ.

 

Trong các năm 2006-2010, kết quả tiết kiệm điện của các tỉnh, thành phố đạt 4.039 triệu kWh, đạt 127% so với kế hoạch, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất-kinh doanh, sinh hoạt-dịch vụ. Những con số càng thêm ý nghĩa trong tình hình điều kiện thủy văn khắc nghiệt, khô hạn kéo dài gây khó khăn cho nguồn điện, cộng thêm việc phụ tải tiếp tục tăng cao về sản lượng, nhu cầu điện hàng năm tăng 13,7%, gấp 2 lần so với tăng trường GDP.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động tiết kiệm năng lượng   

Bắt đầu từ Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng, cho đến nay các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tiết kiệm điện đã tương đối hoàn chỉnh. Có thể kể đến: Nghị định Quản lý chiếu sáng công cộng số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 (Bộ Công thương và Bộ Xây dựng phối hợp ban hành), Thông tư liên tịch số 111/2009/BCT-BTC ngày 1/6/2009 Bộ tài chính - Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngày 17/6/2010, Dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội khóa XII thông qua, tạo hành lanh pháp lý đầy đủ cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó nêu rõ chính sách, chiến lược, quy hoạch chung về tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới, đồng thời cũng chỉ rõ các hành vi nào được coi là bị cấm, xâm hại đến an ninh năng lượng quốc gia. Những chỉ dẫn về trách nhiệm của các đơn vị  hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp… tạo thành kim chỉ nam cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả trên toàn quốc.

Nhằm hiện thực hóa bộ luật này vào đời sống sinh hoạt và sản xuất, hiện ta đã có các mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các doanh nghiệp (ISO 50001); đi đến hoàn thiện 17 tiêu chuẩn TCVN về tiết kiệm năng lượng; công nhận các sản phẩm điện tử tiết kiệm điện thông qua việc dán nhãn năng lượng….

Theo đó, từ năm 2011 khi Luật này chính thức đi vào đời sống, việc sử dụng năng lượng như thế nào, có đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm hay không đã không  còn là chuyện riêng của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình hay đơn vị sản xuất mà trở thành việc chung, có thưởng phạt rõ ràng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm điện

Nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng điện hiệu quả được coi là công tác mũi nhọn trong toàn bộ chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm điện. Theo đó, hàng loạt những chương trình phổ biến kiến thức, giới thiệu sản phẩm và tư vấn tiêu dùng điện tiết kiệm đã được thực hiện trên khắp các tỉnh thành. Tiêu biểu phải kể đến Hội chợ giới thiệu sản phẩm tiết kiệm năng lượng được tổ chức thường niên từ năm 2007 tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM, cuộc thi tiết kiệm năng lượng trên sóng phát thanh đến nay đã sang năm thứ 3 với hơn 500 chương trình phát thanh và hàng nghìn bài dự thi, chương trình truyền hình “Cùng lợi ích cộng đồng” được phát hàng tuần trên VTV1 và VTV3...

Trong thời gian 5 năm qua, Tập đoàn Điện lực đã phối hợp với các sở Công thương tại các tỉnh tổ chức tuyên truyền vận động các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm thông qua hai chương trình: vận động dùng đèn compact tiết kiệm điện và bình nước nóng năng lượng mặt trời. Mạng lưới phân phối đèn compact của EVN đã bán được gần 3 triệu chiếc và đổi 1 triệu chiếc cho người nghèo tại các tỉnh miền Nam, cải tạo và lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho 405 phòng học ở 135 trường tiểu học vừa đảm bảo đủ sáng vừa tiết kiệm 50% điện năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/bình và chi phí lắp đặt khi mua bình nước nóng năng lượng mặt trời, đến nay đã có khoảng 20.000 bình đến với các hộ gia đình.

Chặng đường còn dài...

Tuy vậy, những trở ngại trong việc thực hiện chủ trương sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn. Công nghiệp và xây dựng là hai lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm điện lớn nhất, nhưng cũng rất khó thực hiện tron thời gian qua, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng. Bên cạnh vấn đề nhận thức của chủ doanh nghiệp thì kinh phí và vốn đầu tư thay thế, nâng cấp, cải tiến công nghệ cũng không đơn giản, tiêu tốn khá nhiều thời gian và chi phí.

Trong khi đó, việc thực thi tiết kiệm điện trong khối văn phòng, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn nặng về hình thức và không được kiểm tra giám sát thường xuyên, thiếu chế tài gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Việc  vận động quảng bá cho các bóng đèn compact tiết kiệm điện vẫn đang tiến hành rầm rộ thì trong khi đó, không ít các doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất và tiêu thụ một số lượng lớn bóng đèn tròn sợi đốt và đèn huỳnh quang thông thường tại thị trường nội địa.

Thiết nghĩ, Luật tiết kiệm năng lượng đã được ban hành đồng nghĩa với việc mở ra một chặng đường mới, dài hơn trong việc đưa ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm  và hiệu quả trở thành một thói quen đẹp trong cuộc sống, trong đó vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ dừng lại ở việc ban hành các luật và qui định....


  • 05/04/2011 12:00
  • 4347