Ai Cập: Sáng kiến năng lượng cung cấp điện cho người dân

Tại ngôi làng Al-Basaysa ở tỉnh Sharqiya, phía bắc đồng bằng Ai Cập, sáng kiến về pin năng lượng mặt trời đang thay đổi cuộc sống của gần một nửa cư dân ở đây.

Các tấm pin mặt trời hiện được lắp đặt trên mái nhà của nhiều ngôi nhà, cung cấp nguồn điện ổn định cho người dân trong khu vực đang phải vật lộn với tình trạng cắt điện thường xuyên và khủng hoảng năng lượng.

Sáng kiến năng lượng tái tạo này khởi nguồn vào năm 1978, khi ông Salah Arafa, giáo sư vật lý tại Đại học Mỹ tại Cairo, giới thiệu pin mặt trời lần đầu tiên cho cộng đồng nông thôn. Ban đầu, các tấm pin nhỏ chỉ cung cấp năng lượng cho một đài phát thanh và truyền hình, tuy nhiên theo thời gian, dự án đã phát triển theo cấp số nhân.

Ông Tantawy Al Sayed, Giám đốc Năng lượng Tái tạo mới tại Hiệp hội Phát triển Cộng đồng Al-Basaysa cho biết, ý tưởng trên được phát triển vào năm 2010. Ban đầu, người dân chỉ chế tạo một pin mặt trời thu được một kilowatt để cung cấp năng lượng cho hệ thống chiếu sáng. Họ dùng nguồn năng lượng này để cung cấp điện cho hiệp hội vận hành cũng như cho các ngồi nhà xung quanh với chi phí hàng tháng khoảng 25 bảng Ai Cập (0,52 USD).

Sáng kiến về pin năng lượng mặt trời tái tạo đang thay đổi cuộc sống của gần một nửa cư dân ngôi làng Al-Basaysa ở tỉnh Sharqiya, phía bắc đồng bằng Ai Cập

Đến năm 2017, người dân trong làng đã thành lập một trạm năng lượng mặt trời lớn với công suất lên tới 10KW/giờ, phát triển đáng kể khả năng sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo ông Al Sayed, hiện nay, trạm trung tâm này đáp ứng khoảng 50% nhu cầu năng lượng của ngôi làng.

Nhiều cư dân trong khu vực cũng bày tỏ sáng kiến này giúp họ tiết kiệm đáng kể hoá đơn tiền điện. Trước khi có trạm năng lượng của làng, người dân thường phải chi trả 300-400 bằng Ai Cập cho hoá đơn điện hàng tháng, nhưng hiện nay họ chỉ cần trả 50 bảng Ai Cập cho nhu cầu tiêu thụ điện của mình. Nhiều người dân cho biết năng lượng mặt trời rất đáng tin cậy và việc cắt điện không còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của họ.

Ông Al Sayed tin rằng tác động của dự án trên có thể vượt ra ngoài Al-Basaysa, đóng vai trò là hình mẫu cho các làng và thành phố lân cận ở Ai Cập. Thành công của ngôi làng trong việc khai thác năng lượng mặt trời đã truyền cảm hứng cho các dự án tương tự, bao gồm khu phức hợp năng lượng tái tạo ở Ras Sedr ở Nam Sinai, nơi sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng, sản xuất khí sinh học và các ứng dụng khác.

Link gốc


  • 05/08/2024 11:37
  • Theo hanoionline.vn
  • 849