Cần chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, lo lắng về vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực đủ trình độ kỹ thuật và kỷ luật cho việc tiếp nhận và vận hành các nhà máy điện hạt nhân là có thực và chúng ta đang tìm cách tháo gỡ.

Tại kỳ họp Hội đồng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) được tổ chức tại Áo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam chỉ xây dựng nhà máy điện hạt nhân khi chuẩn bị xong kết cấu hạ tầng.

Trước đó, Ban quản lý nhà nước dự án Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận khẳng định, Công ty Điện lực TEPCO (Nhật) rút lui khỏi dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận không làm ảnh hưởng đến dự án. Về thông tin "trên vùng đất dự kiến xây dựng 1 nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận có nếp đứt gãy độ 3”, BQL khẳng định, các thông tin khảo sát địa điểm nhà máy đưa ra trước đây là kết quả khảo sát tiền khả thi. Hiện nay, việc khảo sát đánh giá lại phục vụ cho báo cáo khả thi đang được phía đối tác tiến hành, đến tháng 8.2013 sẽ kết thúc. Thời gian khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, tổ máy đầu tiên sẽ đưa vào vận hành  năm 2020.

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực đủ trình độ cho việc tiếp nhận và vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Ng.Thọ

Vậy tại sao đang tồn tại xu hướng chưa đồng thuận?
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, chính là những lo lắng về vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực đủ trình độ kỹ thuật và kỷ luật để có thể tiếp nhận và vận hành một cách hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân là đáp án cho câu hỏi này. Nhìn vào thực tế tuyển sinh gần đây cho thấy, mối lo nguồn nhân lực đã trở thành hiện thực mà chưa thể  tháo gỡ được ngay.
 
ĐH Điện Lực là một trong số 6 cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, trong ba năm qua đều phải tuyển thêm nguyện vọng 2 mới đủ chỉ tiêu. Năm 2012, ĐH Đà Lạt tuyển sinh khóa đầu tiên cho ngành Kỹ thuật hạt nhân. Tuy nhiên, với mức điểm chuẩn chỉ là 16,5, Trường cũng chỉ có được 10 thí sinh đạt yêu cầu trên tổng số chỉ tiêu là 30. Điểm chuẩn năm nay của các ngành điện hạt nhân tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cũng ở mức thấp, chỉ từ 17- 18 điểm. Vậy là sau 3 năm tổ chức đào tạo, ngành Điện hạt nhân vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với các sinh viên.
 
Một số nhà quản lý khẳng định, mấu chốt vấn đề nằm ở chính sách, "khi có chế độ đãi ngộ hấp dẫn thì không chỉ ngành Điện hạt nhân mà bất cứ ngành nào cũng sẽ thu hút được sinh viên theo học”. Vậy mà năm 2012, ĐH Điện Lực công bố học bổng 1 triệu đồng/tháng, được ưu tiên ở ký túc xá của trường, cũng chỉ tuyển được 17 thí sinh NV1 trên tổng số 50 chỉ tiêu, mà những người làm việc trong ngành Điện hạt nhân phải là những người có trình độ, phải qua quá trình tuyển chọn khắt khe bởi "đây là lĩnh vực đòi hỏi những điều kiện khó khăn hơn”.

Nhân lực mỏng đã lý giải phần nào sự tồn tại xu hướng chưa đồng thuận. Có ai theo học ngành Điện hạt nhân? Câu hỏi vẫn làm đau đầu các nhà quản lý. Và không thể không lo khi bắt đầu vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2020, Việt Nam cần không dưới 2.200 kỹ sư các chuyên ngành Điện hạt nhân, mà nguồn nhân lực quan trọng này vẫn vừa yếu lại vừa thiếu.


  • 08/10/2012 10:04
  • Theo Báo Đại đoàn kết
  • 4030


Gửi nhận xét