Trước xu hướng giá dầu giảm liên tục hiện nay, theo nguyên lý, giá điện có thể giảm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, cơ cấu giá điện phụ thuộc nhiều yếu tố, chứ không chỉ riêng giá dầu. "Giá dầu là yếu tố quan trọng, song không phải là yếu tố duy nhất để ngành Điện đề xuất điều chỉnh giá” – ông Tuấn khẳng định.
Giá than theo quy định bao tiêu của Chính phủ, chưa thay đổi theo giá dầu. Giá khí cũng tính toán theo giá thị trường. Theo tính toán sơ bộ của EVN, trong năm 2014, mặc dù cơ cấu sản lượng thủy điện tăng, EVN giảm được khoảng 2.055 tỷ đồng chi phí. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá than cho sản xuất điện đã làm chi phí tăng thêm 2.271 tỷ đồng, điều chỉnh giá khí trên bao tiêu khiến chi phí đội lên 1.414 tỷ đồng, biến động tỷ giá cũng mất thêm 128 tỷ đồng.
Ngoài ra, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% từ ngày 1/2/2014 khiến EVN phải nộp ngân sách thêm 1.504 tỷ đồng; chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn cũng làm tốn thêm 1.019 tỷ đồng; chi phí bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011 - 2012 của các nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 MW là 166 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản chênh lệch tỷ giá còn tồn chưa tính vào giá điện đến 31/12/2013 là trên 8.811 tỷ đồng. Như vậy, tổng chi phí hiện EVN vẫn đang treo chưa được tính vào giá điện gần 15.000 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh tăng giá than cho sản xuất điện đã làm chi phí của EVN tăng thêm 2.271 tỷ đồng (Hệ thống băng chuyền cấp than của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng - Ảnh: B. Khang)
|
Theo ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN, hiện EVN đã đề xuất hai phương án xử lý. Một là, tăng giá điện, nhưng phương án này chưa thể thực hiện được trong suốt năm 2014. Hai là, khoản chênh lệch tỷ giá còn tồn chưa tính vào giá điện đến 31/12/2013 sẽ báo cáo Chính phủ cho lùi thời gian trả.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của EVN được. Bởi, nguyên tắc của tổ công tác kiểm tra giá thành là kiểm tra, tính toán trên cơ sở kiểm toán độc lập và báo cáo tài chính hợp nhất của EVN.
Ông Tuấn cũng cho biết, ngành Điện đề xuất điều chỉnh giá không phải để bù vào những khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành như dư luận đang đặt ra nghi vấn. Kể cả khi EVN đề xuất, kiến nghị tăng giá điện, liên Bộ Công Thương – Tài Chính cũng phải xem xét các yếu tố đầu vào, cũng như tình hình kinh tế, nếu thấy phù hợp và trong khung theo quy định tại Quyết định 69/2013/QĐ-TTg, thì mới cho phép EVN điều chỉnh giá điện.
Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra giá thành sản xuất điện của liên Bộ, cho thấy các công trình, nhà cửa phục vụ cho vận hành nhà máy được phép đưa vào giá thành sản xuất điện; còn chi phí xây dựng bể bơi, sân tennis... không đưa vào giá thành sản xuất điện và EVN đã thực hiện đúng theo quy định.
"Chi phí bể bơi, sân tennis được trích từ quỹ phúc lợi. Trong trường hợp xây dựng nhà ở cho cán bộ nhân viên cùng gia đình, người lao động phải bù lương để trả và EVN không hạch toán vào giá thành điện”, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết:
Việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, trên cơ sở kiểm tra giá thành các yếu tố đầu vào (chi phí nhiên liệu, cơ cấu nguồn, tỷ giá…) liên bộ Tài chính – Công Thương sẽ xem xét phương án giá điện EVN trình.
Nếu chi phí tăng từ 7% đến dưới 10%, sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo liên bộ Tài chính - Công Thương. Ngoài khung giá này, liên Bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định.
|