EVN trao đổi cơ hội hợp tác với Đại sứ Cộng hòa Pháp về biến đổi khí hậu

Sáng ngày 19/6, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – ông Đinh Quang Tri đã có buổi tiếp xã giao và trao đổi các cơ hội hợp tác với Đại sứ Cộng hòa Pháp về biến đổi khí hậu tại khu vực châu Á và châu Đại Dương – ông Philippe Zeller.

Tại buổi gặp mặt, ông Philippe Zeller cho biết, hiện nay, lượng phát thải khí nhà kính đang ngày càng gia tăng tại các nước ASEAN và khối liên minh châu Âu, là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Ông Philippe Zeller cung cho biết Tổng thống Pháp - Francois Hollande đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng nhau chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu nhằm phát triển nền kinh tế xanh, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trên toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Tại buổi gặp, chia sẻ với quan điểm của Đại sứ Cộng hòa Pháp, ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia ở khu vực châu Á chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri trao đổi các cơ hội hợp tác với Đại sứ Cộng hòa Pháp về khí hậu tại châu Á và châu Đại Dương - Ảnh: Phan Trang

Đối với EVN, trung bình mỗi năm đã bổ sung thêm khoảng 3.000 – 4.000 MW vào tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà máy thủy điện đã xây dựng gần hết, nguồn khí không đủ cung cấp cho các nhà máy điện, chỉ có thể phát triển nhiệt điện than, gió, điện nguyên tử. Dự kiến từ năm 2016 sẽ bắt đầu nhập khẩu than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện than. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng trưởng khoảng 10 – 11%/năm.

Với tốc độ phát triển như vậy, Việt Nam rất dễ là một trong những quốc gia có lượng khí phát thải nhanh trên thế giới. “Vì vậy, EVN đã báo cáo Chính phủ kịp thời điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và triển khai các dự án điện hạt nhân”, ông Đinh Quang Tri nhấn mạnh.

Trước mắt, Việt Nam đang trong quá trình triển khai 2 dự án điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận do EVN làm chủ đầu tư. Đồng thời, EVN cũng tích cực phối hợp và yêu cầu PVN tăng cường tối đa khả năng cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện. Đối với khách hàng, EVN đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Lập chương trình để đầu tư lưới điện nhằm giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, mục tiêu đến năm 2020 giảm xuống còn 6 – 6,5% tương đương với tỷ lệ của thế giới.

Tuy nhiên, ông Đinh Quang Tri cũng phân tích rõ thêm những khó khăn tại Việt Nam, như tiềm năng điện gió tương đối lớn song chưa có nhiều điều kiện để phát triển như giá thành sản xuất cao. Đối với các dự án đầu tư lưới điện để giảm tổn thất điện năng cũng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tương đối lớn. Do vậy, EVN hy vọng trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của Chính phủ Pháp và các tổ chức liên quan, các công ty dầu khí của Pháp tăng cường khả năng cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện khí tại Việt Nam,.

Đánh giá cao những nỗ lực của EVN, ông Philippe Zeller trao đổi: “Sử dụng than cho các nhà máy điện không phải là giải pháp duy nhất. Và Việt Nam đã tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác trong cơ cấu năng lượng. Tôi hy vọng rằng, những quyết tâm này sẽ được thể hiện cụ thể trong cam kết quốc gia tại Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra tại Paris cuối năm 2015”.

Tại buổi gặp mặt, đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cũng cho biết, thời gian qua AFD đã tài trợ vốn cho dự án đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, đóng góp nguồn tài chính quan trọng góp phần làm nên thành công, đưa dự án về đúng tiến độ. Dự kiến trong thời gian tới, AFD sẽ tiếp tục xem xét tài trợ cho những dự án tương tự, thậm chí là những dự án liên quốc gia.

Ông Philippe Zeller khẳng định: “Biến đổi khí hậu là một thách thức nhưng cũng tạo ra những cơ hội hợp tác và chúng ta đã nhìn ra triển vọng về quan hệ hợp tác giữa Pháp với Việt Nam trong 20 – 30 năm tới liên quan đến vấn đề này. Trước mắt từ gói hỗ trợ 100 tỷ đô la mỗi năm của Chính phủ Pháp, ưu tiên cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, giảm bớt phát thải gây hiệu ứng nhà kính”.


  • 20/06/2015 08:06
  • Nguyễn Hà
  • 2668


Gửi nhận xét