Hiệu ích từ các công trình thủy điện

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về hiệu ích của thủy điện nhưng thực tế  không thể phủ nhận tính hiệu quả của các công trình thủy điện do khả năng bù đắp được tổng chi phí cho các ngành sử dụng tổng hợp nguồn nước, vì thủy điện là một nguồn năng lượng tái tạo, thải rất ít khí thải nhà kính so với các phương pháp sản xuất điện khác, thậm chí, còn nhỏ hơn 10 lần so với các nhà máy tuốc bin khí chu trình hỗn hợp và 25 lần so với các nhà máy nhiệt điện than.

Về mặt kinh tế, việc đầu tư thủy điện có hiệu quả kinh tế cao. Thủy điện có công suất càng lớn, địa hình tốt thì suất đầu tư càng thấp. Với suất đầu tư bình quân 25 tỉ đồng/MW thì chỉ  trong thời gian từ 8 – 10 năm, sẽ thu hồi được toàn bộ vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy thủy điện sẽ đem lại những hiểm họa khôn lường khi đơn vị quản lý vận hành hồ chứa và chính quyền địa phương chưa phối hợp chặt chẽ để người dân vùng hạ du có đầy đủ kiến thức về xả nước hồ chứa vào mùa mưa lũ.

(Ảnh minh họa)

Phù hợp với đặc điểm nền kinh tế

Chính sách năng lượng quốc gia đã lấy phương châm "ưu tiên phát triển thủy điện”, làm cơ sở phát triển năng lượng điện quốc gia vì đặc điểm quan trọng của nguồn nước Việt Nam, đó là giá trị sử dụng tổng hợp nguồn nước rất cao.

Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay, cơ bản là nền kinh tế nông nghiệp, nông dân chiếm gần 80% dân số, nên nhu cầu nước cho nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm phần lớn nhu cầu nước quốc gia. Đồng thời Việt Nam lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thiên tai hạn hán, lũ lụt thường xuyên đe dọa.

Vì vậy, ngay khi xây dựng những công trình thủy điện lớn, đôi khi nhiệm vụ quan trọng nhất không phải là thủy điện, mà là nhiệm vụ chống lũ, cấp nước như công trình thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Thác Bà, … (miền Bắc); Trị An, Đại Ninh, … (miền Nam) và nhiều công trình khác ở miền Trung và Tây Nguyên.

Hầu hết các dự án thủy điện đều tạo nguồn cung cấp nước cho tưới ở các khu vực, lớn hay nhỏ tùy theo nhu cầu địa phương. Thí dụ, như các dự án Thủy điện: Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Trị An,… tuy không có hệ thống tưới trực tiếp, nhưng tạo nguồn nước, nhất là các tháng mùa kiệt, cho hạ lưu sông Hồng, sông Đồng Nai, lấy nước phục vụ nông nghiệp. Tối thiểu 55% sản lượng lương thực Việt Nam phụ thuộc vào hệ thống nước tưới, tiêu bởi nguồn nước từ các dự án thủy điện. Hiệu ích cấp nước cho sản xuất lương thực cũng là hiệu quả công tác "xóa đói, giảm nghèo” mà các nước trên thế giới quan tâm.

Bên cạnh đó, hồ chứa thủy điện còn là nguồn nước lớn phục vụ cho cấp nước công nghiệp và dân sinh. Điển hình như Thủy điện Trị An, hồ chứa có nhiệm vụ cấp nước cho công nghiệp và dân sinh của Tp.HCM, Biên Hòa, Vũng Tàu, đồng thời góp phần rửa mặn cho hạ du.

Thuỷ điện Hoà Bình không chỉ có chức năng phát điện mà còn có chức năng cứu hạn vào mùa khô, điều tiết lũ vào mùa mưa. Vào thời điểm mùa khô Thủy điện Hòa Bình không chỉ làm nhiệm vụ phát điện mà còn điều tiết nước xuống hạ du chống hạn cho nông nghiệp.

 Thường vào mùa khô Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tiến hành ít nhất 3 đợt xả nước xuống hạ lưu, mỗi đợt khoảng 600 triệu -700 triệu m3 nước, nhờ vậy mà mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt mức cho phép  các trạm bơm  hoạt động  tưới tiêu.

Mùa lũ, việc tích nước, xả nước tại hồ Hoà Bình phải tuân thủ theo lệnh của Ban PCLBTW. Việc có thêm hồ chứa nước Sơn La cho phép mực nước dâng tại hồ Hòa Bình năm nay được nâng cao hơn, từ 94m lên 104m.

Theo Hội đồng Nước thế giới (WWC), hiện nay có khoảng 26 quốc gia với tổng số 300 triệu dân, được coi là khan hiếm nước và dự kiến đến 2050 sẽ là 66 quốc gia, nghĩa là 2/3 dân số thế giới sẽ thiếu nước. Việt Nam không nằm ngoài danh sách trên. Vì vậy, hồ chứa thủy điện sẽ là đóng góp quan trọng  cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh, vì hiện nay chưa có phương án thay thế .

Đâu chỉ gây lũ

Có ý kiến cho rằng, để lấy mặt bằng xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, mở đường vào các công trình, có mặt bằng xây dựng các khu tái định cư cho người dân thuộc phạm vi di dời... rừng già đã bị tàn phá mãnh liệt là một trong những nguyên nhân gây lũ. Ở một khía cạnh nào đó, điều này không sai. Tuy nhiên, trên thực tế, các công trình hồ chứa thủy điện cũng được các nhà khoa học đánh giá: “Các hồ chứa thủy điện làm giảm tổn thất lũ hàng năm”.

Đơn cử, trước đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có hồ Thủy lợi Phú Ninh tham gia điều tiết lũ cho vùng hạ du nên đã góp phần ngăn lũ, giảm thiệt hại cho người dân vùng hạ du. Những năm gần đây, một số công trình thủy điện đưa vào vận hành, cùng tham gia điều tiết lũ bằng việc vận hành hồ chứa thủy điện theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 13/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ. Trên cơ sở quy trình vận hành liên hồ, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đã làm việc với chủ đầu tư các dự án thủy điện. Đến nay, các nhà máyThủy điện: A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 đã ký  Quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng.

Tại tỉnh Phú Yên, ngoài việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ chứa, Tỉnh đã phối hợp với các nhà máy thủy điện xây dựng và triển khai phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du do xả lũ hồ chứa hay sự cố đập thủy điện. Trong đó, đã  xây dựng bản đồ ngập lụt cho Phú Yên, lắp đặt thử nghiệm 5 trạm cảnh báo xả lũ trên sông Ba.  Mỗi trạm được lắp đặt một bộ cảm ứng kích hoạt tự động, gắn với một loa công suất lớn, kết nối với Thủy điện Sông Ba Hạ. Trước và trong quá trình xả lũ, hệ thống này sẽ thông báo để chính quyền và nhân dân vùng hạ lưu biết, có phương án phòng tránh hiệu quả.


  • 24/09/2012 09:24
  • Thanh Mai
  • 3805


Gửi nhận xét