Những cái Tết trên tuyến

Những cơn mưa xuân đang xua tan cái lạnh cuối đông. Ánh nắng ban mai như đánh thức những khát vọng được cống hiến sức lực tuổi trẻ của những người thợ truyền tải điện đang bám trụ ngày đêm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, bảo vệ dòng điện an toàn, thông suốt.

Đối với những công nhân truyền tải điện, ngày cũng như đêm, họ luôn có mặt trên tuyến kịp thời kiểm tra, sửa chữa, vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải.

Đón giao thừa trên đèo

Đường dây tải điện siêu cao áp Bắc - Nam 500 kV đi qua rất nhiều khu vực có địa hình hiểm trở. Trên tuyến đường dây do Công ty Truyền tải điện 2 quản lý thì cung đoạn do Đội truyền tải điện Phú Lộc (Truyền tải điện Thừa Thiên - Huế) được coi là nơi gian khó nhất. Đội có biệt danh “Đội 4 trong 1” bởi quản lý hơn 100 km đường dây gồm các đường dây 220 kV, 500 kV mạch 1 và 500 kV mạch 2, mà phần lớn các vị trí cột đều nằm ở trên 4 đèo nguy hiểm là Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, Mũi Né.

Những ngày giáp Tết là những ngày khó khăn nhất đối với công nhân truyền tải. Nhưng cực nhất phải nói đến chuyện những người ở lại trực Tết. Đoạn đường dây đi qua bắc đèo Hải Vân được Đội giao cho 3 công nhân là Hoàng Xuân Sỹ, Đặng Quốc Tuấn và Phạm Thanh Nam “chăm sóc”.

Sỹ hồn nhiên kể: “Mỗi ngày phải đi mất 4 tiếng đồng hồ, toàn lội suối, băng rừng mới đến nơi để phát dọn hành lang tuyến, ngăn chặn các hiện tượng đốt nương rẫy, vét mương, đắp đất móng, kiểm tra hệ thống tiếp địa, sơn chống gỉ... Bình thường thì không nói làm gì, nhưng nếu có sự cố dù nhỏ xảy ra, công nhân bọn em sẽ phải trực và đón giao thừa ngay trên đèo”. Câu chuyện những người thợ truyền tải đón Tết trên tuyến được Phạm Thanh Nam, quê Đồng Hới, Quảng Bình kể lại: "Địa hình bị chia cắt nhiều, việc đi lại rất khó khăn, nhưng bọn em phải đảm bảo tuyến mà mình được giao, nên dù có niềm vui hay nỗi buồn gì thì có lẽ chỉ có... cây rừng biết !".

Anh Trần Ngọc Tâm, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Phú Lộc bộc bạch: Anh em chúng tôi mỗi người mỗi quê được Công ty điều động về đây, quản lý hầu hết tuyến đường dây trên đèo cao. Như mọi năm, năm nay đơn vị bố trí 50% quân số ở lại trực Tết. Hằng năm, để chuẩn bị Tết, đơn vị mua đầy đủ mọi thứ cần thiết như mai vàng, hoa quả, hạt dưa, bánh tét, bánh chưng, bánh Tổ… để cho những anh em ở lại với đường dây đón Tết tại đơn vị. Dù khó khăn là thế, song những người công nhân ở đây đều xác định phấn đấu bảo đảm giữ cho dòng điện an toàn, thông suốt trên tuyến đường dây 500 kV Bắc - Nam, nhất là trong những dịp Tết Nguyên đán, để người dân có một cái Tết an toàn và trọn vẹn.

Lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 2 đến thăm, chúc tết Đội Truyền tải điện Đà Nẵng     (Ảnh: Quang Thắng)

Ăn Tết cùng dân bản

Ngược lên Tây Bắc, tuyến đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan huyết mạch đưa điện từ Nhà máy Thủy điện Sơn La về miền xuôi hòa vào lưới điện quốc gia. Đường dây này do 3 đơn vị là Truyền tải điện Tây Bắc, Hòa Bình, Ninh Bình quản lý. Anh Chu Công Sơn – Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc cho biết: Địa hình nơi đây luôn có sương mù dày đặc, khó quan sát khi đi kiểm tra hành lang, phụ kiện đường dây; giao thông đi lại khó khăn chủ yếu đồi núi cao, suối sâu nguy hiểm, nhiều vị trí phải đi bộ mất khoảng 3 – 4 giờ mới tới nơi. Để đảm bảo vận hành đường dây an toàn trong dịp Tết Nguyên đán, cùng với yêu cầu gấp rút về tiến độ đóng điện, năm nay 70% công nhân sẽ phải ở lại thường trực 24/24 giờ và đón Tết tại đơn vị, sẵn sàng đối phó với sự cố. Đơn vị chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống để anh em đón Tết, cố gắng tạo không khí đầm ấm như ngày Tết ở gia đình.

Song, một điều mà có lẽ chỉ “lính” truyền tải mới có, đó là được ăn Tết cùng dân bản. Những ngày này, đi đến đâu anh em truyền tải cũng được dân bản mời ở lại dùng bữa cơm, uống chén rượu.

Anh Võ Thành Vinh, công nhân Trạm biến áp 500 kV Sơn La tâm sự: Theo phong tục tập quán của đồng bào Tây Bắc, đã đến cổng nhà thì phải lên nhà sàn chơi và uống rượu, bà con dân tộc Thái đã mời rượu thì phải uống từ 2 chén trở lên. Họ kiêng uống 1 chén, khi uống rượu xong là bắt tay không phân biệt nam, nữ, già trẻ, đồng thời chúc 1 câu bằng tiếng Thái: “Hảo hớn nơ” (chúc sức khỏe và may mắn). Họ mời khách bằng những món ăn rất dân dã do chính tay họ làm.

Ở Tây Bắc, đồng bào các dân tộc người Thái, người Dao, người Mông… đều rất mến khách. Không cứ gì ngày Tết, mà cả ngày thường, khi có khách đến thăm là họ tiếp rất niềm nở, nhiệt tình, chu đáo. Đây chính là điều rất thuận lợi để những người thợ truyền tải điện vận động đồng bào các dân tộc chung tay bảo vệ an toàn lưới điện, tạo mối quan hệ thân thiện. 

Cũng như những chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo, đang ngày đêm gìn giữ biên cương Tổ quốc, thì người thợ truyền tải điện cũng không ngại gian khó, nhọc nhằn, luôn bám sát đường dây, đảm bảo cho dòng điện an toàn, liên tục, phục vụ nhân dân, nhất là vào dịp vui Tết, đón Xuân.


  • 30/01/2012 11:00
  • Theo TCĐL
  • 9441


Gửi nhận xét