Philippines: Hàng nghìn người tham gia ứng cứu hệ thống điện sau bão Haiyan

Theo thống kê của Công ty Lưới điện Quốc gia Philippines, siêu bão Haiyan đã làm khoảng 248 trụ truyền tải điện cao thế, 198 cột điện các loại  bị gãy đổ hoàn toàn, 120 trụ điện bị vặn nghiêng.

(Ảnh minh họa)

Siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền Trung Philippines ngày 8/11 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho 6 hòn đảo ở miền Trung Philippines, 2 triệu người tại 41 tỉnh, thành phố đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa, khoảng 23.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại nặng.

Đặc biệt, hệ thống lưới điện quốc gia Philippines bao gồm lưới điện cao thế, trung thế và hạ thế, đều bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng phát triển kinh tế của quốc gia này.

Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, còn có khoảng trên 500 kết cấu thép, bê tông, các loại thiết bị và dây dẫn… thuộc hệ thống điện quốc gia và trạm biến áp cũng bị hư hại nặng, khiến cho toàn bộ hệ thống lưới điện nơi siêu bão Haiyan quét qua đều bị tê liệt hoàn toàn.

Trước tình hình đó, Công ty Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP) đã phải huy động toàn bộ nguồn nhân lực và vật lực hiện có, tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng của siêu bão Haiyan theo đường hàng không và đường bộ, tiến hành khảo sát và đánh giá tác động của siêu bão đối với mạng lưới, thiết bị và hoạt động của toàn bộ hệ thống lưới điện.

Với mục tiêu nhanh chóng cấp điện trở lại để phục vụ thông tin liên lạc và công tác cứu trợ cũng như sinh hoạt của nhân dân, một ngày sau khi bão Haiyan đi qua (ngày 9/11), một số tuyến truyền tải và phân phối điện đã được khôi phục tại các tỉnh: Laguna (có tuyến truyền tải 230 kV), Batangas, Cebu (có tuyến truyền tải 138 kV), Negros (có tuyến truyền tải 138 kV), Panay, Iloilo (có tuyến truyền tải 138 kV mạch 1 và 2), Negros Occidental, Zamboanga del Sur.

NGCP còn thành lập đội đặc nhiệm chuyên trách lưới điện tại khu vực bị ảnh hưởng của siêu bão. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu  của lực lượng này là phục hồi tuyến truyền tải cao thế trực tiếp 350 kV (HVDC) từ Ormoc đi Cabacungan, kết nối lưới điện của đảo Luzon với lưới điện của quần đảo Visayas, đồng thời phục hồi các tuyến truyền tải 138 kV từ Ormoc đi Babatngon và Paranas đi Babatngon với sự hỗ trợ của lực lượng ứng cứu của NGCP từ đảo Mindanao.

Các nhóm kiểm tra và bảo dưỡng lưới điện của NGCP từ phía Bắc và phía Nam đảo Luzon sẽ hỗ trợ các nhóm ứng cứu đang hoạt động tại quần đảo Visayas, nhằm phục hồi 4 trạm biến áp quan trọng nhất tại Samar và Leyet.

Ngoài việc phục hồi các tuyến chính, nỗ lực sửa chữa các trạm biến áp quan trọng trong khu vực bị ảnh hưởng của siêu bão, NGCP còn tập trung giám sát toàn bộ lưới điện tại quần đảo Visayas do có rất nhiều nhà máy phát điện tại khu vực này đã ngừng hoạt động do ảnh hưởng của siêu bão.

Ngày 12/11/2013, tổng công suất phát của lưới điện tại khu vực quần đảo Visayas là 1.058 MW ( Nhu cầu khi đạt đỉnh là 1.158 MW). Chênh lệch về cung và cầu do hạn chế bởi một số nguồn phát, đã dẫn đến tình trạng quá tải tại một số khu vực thuộc quần đảo Visayas.

Toàn bộ lực lượng của NGCP đang phối hợp với Bộ Năng lượng, Cơ quan Điện lực quốc gia, tăng cường các biện pháp khắc phục thiết hại và phục hồi cấp điện trở lại cho quần đảo Visayas trong thời gian sớm nhất có thể.

Ngoài 1.400 nhân công đang trực tiếp tham gia xử lý và phục hồi hoạt động trên lưới điện tại khu vực quần đảo Visayas, NGCP còn huy động thêm 34 nhóm cứu hộ (mỗi nhóm gồm 8 người) từ khắp các đơn vị trên toàn lãnh thổ Philippines, tiến hành khảo sát các trường hợp hư hỏng của lưới điện trên các đảo thuộc quần đảo Visayas.

Các nhóm này sẽ chịu trách nhiệm khôi phục  các tuyến truyền tải điện tại Samar, Leyte và Bohol. Mỗi nhóm sẽ có một nhân viên y tế đi kèm cùng với các trang bị cần thiết và nhu yếu phẩm đủ để đáp ứng cho hoạt động của nhóm trong một thời gian nhất định.

Các thông tin về lưới điện bị hư hỏng, các khu vực mất điện, tình hình khắc phục sự cố… do siêu bão Haiyan gây ra đều được Công ty Lưới điện quốc gia Philippines cập nhật liên tục trên website, facebook… Thời gian cập nhật thông tin mới trung bình từ 2 – 3 giờ. Mặc dù hành trình khắc phục hậu quả của cơn bão lớn nhất trong năm 2013 còn lắm gian nan, thử thách, nhưng NGCP đã và đang nỗ lực từng giờ, từng phút cùng với Chính phủ Phippines nhanh chóng khôi phục cung cấp điện, ổn định lại cuộc sống cho người dân sau siêu bão.

Ông Đậu Đức Khởi – Nguyên phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Bão Haiyan là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi thiết kế hệ thống điện cao áp trong tương lai

Siêu bão Haiyan đổ vào vào miền Trung Philippines ngày 8/11 được cho là cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2013 và một trong 4 siêu bão mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. Siêu bão với sức gió khoảng 320 km/h, giật mạnh lên tới 379 km/h và mang theo lượng mưa lớn khoảng 400 mm.

Tính đến thời điểm hiện tại, bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam có sức gió tối đa là 150 km/h, làm cho một số ít cột điện 110 kV bị ảnh hưởng do sạt lở đất sau bão, lũ, còn lại chủ yếu là cột trung, hạ thế bị đổ và hệ thống lưới điện phân phối bị đứt. Đối với hệ thống cột điện 220 kV và 500 kV, trong quá trình thiết kế đã tính toán đến khả năng chịu ảnh hưởng của bão với sức gió mạnh trên 200 km/h. Vì vậy, từ trước đến nay chưa có hệ thống cột điện 220 kV và 500 kV nào của Việt Nam bị ngã, đổ.

Đối với Philippines, là quốc gia nằm ở vùng rốn bão, vì vậy các cơn bão đổ bộ vào quốc gia này sẽ có sức gió mạnh hơn rất nhiều lần khi đổ bộ vào Việt Nam. Minh chứng rõ ràng nhất là bão Haiyan, khi đổ bộ vào Philippines với sức gió khoảng 320 km/h nhưng khi đi vào Việt Nam có sức gió 210 km/h (Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương).

Tuy nhiên, Việt Nam cũng không nên chủ quan vì thiên nhiên diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, trong tương lai, Việt Nam cần tính toán kỹ khi thiết kế hệ thống điện cao áp có thể chịu đựng những cơn bão với sức gió trên 300 km/h, trong đó xem xét đến hệ số dự phòng, đảm bảo hệ thống điện Việt Nam có thể vận hành an toàn trong bão, lũ.


  • 21/11/2013 10:59
  • Thái Sơn - Phan Trang
  • 3200


Gửi nhận xét