Trước đó, ngày 21/9/2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp liên quan đến vấn đề này. Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ: Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Viện Khoa học và Công nghệ, Viện Vật lý Địa cầu, UBND tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Viện Vật lý địa cầu và các ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng biểu dương các bộ: Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị tư vấn, thi công,… trong 6 tháng qua đã thực hiện nghiêm túc, khẩn trương ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc khắc phục hiện tượng thấm nước và đánh giá an toàn đập Thủy điện Sông Tranh 2. Chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam đã kịp thời tuyên truyền, động viên người dân trong vùng hạ du Thủy điện Sông Tranh 2 khi xảy ra động đất, hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị ảnh hưởng nhà cửa, công trình xây dựng do tác động của động đất.
Qua báo cáo của các bộ, ngành và các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, kết quả đạt được theo chiều hướng tích cực, thể hiện qua các mặt chủ yếu sau: Việc chống thấm đạt kết quả tốt, lưu lượng thấm qua đập giảm gần 90%, thấp hơn mức cho phép theo tiêu chuẩn thiết kế; Đập Thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm ổn định, an toàn, kể cả khi xảy ra động đất lớn hơn so với cấp động đất cực đại trong thiết kế; Động đất tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam thời gian qua là động đất kích thích, cấp động đất không vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của đập Thủy điện Sông Tranh 2.
Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu chưa cho tích nước Thủy điện Sông Tranh 2 - ảnh CTV
|
Tuy nhiên, các cơ quan có liên quan cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc phát ngôn liên quan đến công trình; nhiều ý kiến, thậm chí trái chiều nhau về cùng một vấn đề là chuyện bình thường trong khoa học. Tuy nhiên, không đưa những thông tin chưa được giải thích, gây hoang mang không cần thiết trong một bộ phận dân cư trong khu vực. Các cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền các cấp của địa phương cần cử người có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, có cơ sở khoa học cho các cơ quan thông tin, truyền thông để người dân, nhất là người dân sống trong khu vực biết, yên tâm và duy trì các hoạt động sản xuất, học tập, sinh hoạt bình thường.
Phó Thủ tướng yêu cầu, để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, tính mạng, tài sản của người dân và an toàn công trình, nhất thiết không được chủ quan. Vì vậy, chưa tích nước hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 mà cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc tác động của lũ, của động đất đến công trình.
Trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương liên quan cần khẩn trương thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Viện Vật lý địa cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tổ chức họp báo tại tỉnh Quảng Nam để thông báo kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
- Chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo, chuyên gia có trách nhiệm của các bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiếp tục theo dõi tại hiện trường trong mùa mưa lũ này để xem xét, đánh giá tình trạng: thấm, an toàn đập, hồ chứa, động đất,… liên quan đến an toàn và ổn định của công trình làm cơ sở quyết định việc tích nước chính thức.
2. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam:
- Khẩn trương lập đề cương, dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai lắp đặt 05 trạm địa chấn tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp kinh phí mua vật tư, thiết bị cho các trạm địa chấn, phần kinh phí này được hạch toán vào chi phí công trình theo quy định.
Trong thời gian tiến hành các thủ tục trên, Viện Vật lý địa cầu điều động 2 máy đo gia tốc và 5 trạm đo địa chấn từ những khu vực khác để lắp đặt, đưa vào hoạt động trong tháng 10/2012, kịp thời đánh giá trong mùa lũ.
- Cử các chuyên gia theo dõi thường xuyên tình hình động đất, đánh giá xu thế hoạt động động đất kích thích trong khu vực, phục vụ việc đánh giá an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.
- Tổ chức ngay việc nghiên cứu, đánh giá chi tiết về điều kiện địa chấn, địa động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My để đánh giá nguyên nhân, xu hướng của động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2; cho phép mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm để giúp thực hiện nghiên cứu.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Phê duyệt đề cương, dự toán và chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu xây dựng các trạm địa chấn và nghiên cứu chi tiết và toàn diện hơn động đất kích thích khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
- Chỉ đạo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu nghiên cứu đánh giá tổng thể về phân vùng động đất tại Việt Nam, nhất là tại các khu vực quy hoạch phát triển những công trình xây dựng lớn, các thành phố lớn.
4. Bộ Công Thương:
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh quy trình điều tiết hồ Thủy điện Sông Tranh 2, quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ: A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 phù hợp với điều kiện hồ Thủy điện Sông Tranh 2 trong mùa lũ năm 2012; bảo đảm an toàn đập và phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập.
- Chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương thẩm định, phê duyệt phương án phòng chống lụt, bão, bảo đảm an toàn đối với đập và vùng hạ du thủy điện Sông Tranh 2.
5. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Khẩn trương hoàn thành trong tháng 10/2012 việc lắp đặt bổ sung các thiết bị quan trắc cần thiết, thay thế các thiết bị hỏng hoặc nghi ngờ hoạt động không chính xác.
- Thực hiện thường xuyên công tác thu thập các số liệu quan trắc từ các thiết bị quan trắc đã được lắp đặt, tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá an toàn đập, cung cấp các số liệu cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan có liên quan, phục vụ việc đánh giá an toàn đập Thủy điện Sông Tranh 2.
- Thường xuyên báo cáo Hội động Nghiệm thu nhà nước về những diễn biến của hồ và công trình trong mùa lũ 2012.
- Tổ chức thường xuyên việc kiểm tra, giám sát toàn bộ tuyến đập để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể gây mất an toàn cho công trình và khu vực hạ du.
- Khẩn trương hoàn thành phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập Thủy điện Sông Tranh, trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt.
6. UBND tỉnh Quảng Nam:
- Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, thông báo kết quả xử lý thấm, thẩm tra ổn định đập Sông Tranh 2 và tình hình hoạt động của động đất kích thích trong khu vực; giải thích, vận động để người dân khu vực hạ lưu Thủy điện Sông Tranh 2 yên tâm sản xuất và sinh hoạt bình thường.
- Phối hợp với Viện Vật lý địa cầu hướng dẫn cho người dân trong khu vực về cách phòng tránh, ứng phó khi xảy ra động đất trong các tình huống khác nhau.
- Tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập Thủy điện Sông Tranh 2.
- Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện rà soát, kiểm đếm, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân, khu tái định cư, trường học, các công trình xây dựng bị ảnh hưởng do động đất.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin chính xác, khách quan về công trình.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan biết và thực hiện.