Các doanh nghiệp tìm giải pháp tiết kiệm điện

Khảo sát của Viện Cạnh tranh châu Á, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với 347 doanh nghiệp Việt Nam vào quí II, quí III/2010 cho thấy, doanh nghiệp rất thờ ơ với tiết kiệm điện. Một phần tư thừa nhận không thể tiết kiệm điện được. Duy nhất một doanh nghiệp cho biết sẽ quyết liệt đầu tư để thực hiện giảm 1/2 nhu cầu điện. Còn hiện nay, đã xuất hiện một thực tế  khác...

Đổi mới công nghệ, con đường bắt buộc phải đi

                             

                                                                    Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp xác định, tiết kiệm để giảm chi phí, đổi mới công nghệ hay bộ phận của công nghệ… đều là những giải pháp của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Vấn đề là tùy từng doanh nghiệp để có giải pháp hợp lý.

 

Thực ra, câu chuyện tiết kiệm điện chúng ta nói nhiều từ những đợt tăng giá điện trước đây. Song chúng ta vẫn chưa tạo được hiệu ứng mạnh mẽ tác động tới ý thức tiết kiệm điện của người dân và doanh nghiệp. Khả năng tiết kiệm năng lượng của nước ta vẫn được đánh giá còn lớn, tới 30%. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, biện pháp thay đổi công nghệ, cải tiến công nghệ được coi là yếu tố then chốt trong việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm điện, hạ giá thành sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức. Một trong những lý do lại chính là giá điện còn thấp.

 

Kỹ sư Nguyễn Thế Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thạch Bàn Viglacera chia sẻ: “Chúng tôi đã tính trước việc giá điện sẽ tăng và doanh nghiệp đã thay đổi công nghệ từ cách đây 2 năm. Đến thời điểm này, cùng một lượng điện và các đầu vào khác, nhưng năng suất tăng lên 30%, phế liệu giảm 20%, chất lượng sản phẩm ổn định. Như thế là với công nghệ mới, Công ty chúng tôi tiết kiệm nhiều chi phí điện năng…”.

 

Một đề xuất hiệu quả kinh tế khác của Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam rút ra từ ngành xi măng, đó là những ngành có sử dụng lò hơi, công suất lớn, có thể tận dụng nhiệt để sản xuất điện. Tiến sĩ Trần Văn Huynh - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng: “Các nhà máy xi măng có công suất 2.000 tấn clanke/ngày trở lên có thể lắp hệ thống thu hồi nhiệt từ ống khói lò nung để sản xuất điện phục vụ trở lại sản xuất, tiết kiệm được 20% điện năng cho nhà máy. Đây là biện pháp vừa kinh tế, vừa môi trường. Nhưng cũng phải lựa chọn lò nung hiện đại, không chọn những lò công suất thấp. Ví dụ lò nung có công suất 1.000 tấn clanke/ngày tiêu hao điện hơn lò nung công suất 2.000 tấn clanke/ngày tới 15%”.

 

Một doanh nghiệp sản xuất bia lớn ở Huế cũng chia sẻ kinh nghiệm, để ứng phó với việc giá điện tăng, doanh nghiệp này quyết định thay thế công nghệ đã sử dụng 20 năm bằng công nghệ mới, vượt ngoài khả năng mong đợi về giảm chi phí điện năng cũng như giúp nâng cao năng suất, chất lượng bia…

 

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa

 

Ông Đàm Xuân Hiệp - Tổng thư ký Hội Điện lực Việt Nam cho biết, qua khảo sát của Hội, các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như thép, xi măng còn sử dụng nhiều công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các lò luyện thép tuổi từ 20-30 năm có ở khắp các địa phương. Nghĩa là nếu nâng cấp được các thiết bị này, có thể giảm tiêu hao điện rất nhiều. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc thay đổi công nghệ xem ra không khả thi với các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Do vậy, ông Đàm Xuân Hiệp gợi ý: “Thay đổi toàn bộ công nghệ thì khó, nhưng có thể thay thế một số bộ phận bằng thiết bị biến tần để tiết kiệm điện. Doanh nghiệp nhỏ có thể thay thiết bị này với chi phí hợp lý. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên bố trí chế độ làm việc của các thiết bị hợp lý. Cách nhiệt chưa tốt thì tăng bảo ôn lên; dây điện dẫn vào nhà máy đã quá cũ, tiêu hao năng lượng lớn thì thay thế để tiết kiệm điện…”.

 

Theo lời khuyên của các chuyên gia năng lượng, sử dụng máy biến tần trong các công nghệ, động cơ, sẽ tiết kiệm được nhiều điện năng. Theo tính toán, nếu đầu tư máy biến tần cho một động cơ sơ cấp công suất 100 kW, thì thời gian thu hồi vốn đầu tư cho một bộ biến tần khoảng từ 3-6 tháng. Nghĩa là chậm nhất cũng từ tháng thứ 7, sẽ tiết kiệm được năng lượng góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

 

Song song với đó, các cơ sở sản xuất cả nhỏ và lớn nên bố trí sản xuất vào giờ thấp điểm để hưởng lợi từ giá điện thấp 20% so với giá bình quân.

 

Ông Nguyễn Tôn Quyền- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Bắt đầu từ tháng 2, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã xây dựng định mức cơ sở, quy trình cụ thể để giám sát định mức tiêu hao năng lượng, nhằm giảm đến mức thấp nhất mức năng lượng sử dụng. Hiện các doanh nghiệp cũng đang tính toán thay thế một số công nghệ, trong đó có những công nghệ tiêu hao nhiều nguyên liệu. Trước đây, cùng một lượng điện đầu vào, một cây gỗ tròn sử dụng được 70%, thì nay phải cố gắng đưa lên 80-85%...”.

 

Tiết kiệm phải song hành

 

Lãng phí điện, sử dụng điện không hiệu quả có nguyên nhân lớn từ công nghệ lạc hậu. Nhưng cái lớn hơn ở phía sau việc đổi mới công nghệ hay tiết kiệm điện chính là tư duy của nhà quản lý, trình độ quản trị của doanh nghiệp. Thực tế đang đòi hỏi các nhà sản xuất cần có cái nhìn xa hơn và quyết đoán hơn trong đổi mới công nghệ.

 

Điều đáng báo động là thực tế hiện nay ở một số ngành và địa phương vẫn tiếp tục đầu tư những công nghệ cũ, thải loại từ nước ngoài, gây lãng phí năng lượng trong nước, đẩy giá thành và giá bán sản phẩm tăng theo. Giá bán quá cao thì doanh nghiệp sẽ “thua ngay trên sân nhà” trong cuộc cạnh tranh gay gắt của hàng hóa cùng loại nhập vào Việt Nam.

 

Tiết kiệm phải song hành và thậm chí phải coi trọng hơn cả cung cấp nguồn điện vì chi phí bỏ ra để tiết kiệm 1 kWh điện năng ít hơn nhiều so với chi phí đầu tư để sản xuất ra 1 kWh trong các nhà máy điện./.

 


  • 16/08/2011 11:07
  • Báo ĐT Đài tiếng nói Việt Nam
  • 2864