Chia sẻ giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng của Nhật Bản

Ngày 17/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Nhật Bản, tổ chức Liên minh doanh nghiệp Nhật Bản về Năng lượng thông minh toàn cầu và Trung tâm Phát triển Xanh phối hợp tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo”.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai quốc gia, giới thiệu các giải pháp và công nghệ năng lượng tiên tiến của Nhật Bản. 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, để đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó vừa phát triển các nguồn năng lượng mới, vừa thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động đời sống, kinh tế, xã hội.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo với sự tham gia của nhiều chuyên gia năng lượng và các doanh nghiệp - Ảnh: Ng.Tuấn.

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019-2030.

Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đã và đang phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó có các giải pháp về chính sách, tài chính, truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và giải pháp ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiệu suất năng lượng cao, dần loại bỏ các công nghệ tiêu hao năng lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường.

Theo Chủ tịch Ủy ban kế hoạch của Hội đồng xúc tiến kinh doanh bảo tồn năng lượng thế giới, ông Nobuaki Aoyama, hiện Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam đã và đang thúc đẩy nhiều cuộc đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Ông Nobuaki Aoyama cho biết, ở cấp độ tư nhân, doanh nghiệp của hai quốc gia cũng đã có những dự án đầu tư hợp tác về phát triển năng lượng, công nghệ năng lượng… những dự án này đang được thực hiện tích cực và cũng đã có những thành quả nhất định.

Tại diễn đàn, ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam nhu cầu năng lượng đã gia tăng đáng kể trong hơn thập kỷ qua. Trong giai đoạn 2010-2019, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng trưởng 4,3%/năm đạt mức 61.853 KTOE vào năm 2019. Trong 2 năm 2018,2019 tốc độ tăng trưởng năng lượng của Việt Nam so với năm trước là khá cao, trên 11% ở năm 2018 và 6,7% năm 2019. Theo đó, thời gian tới nhu cầu năng lượng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh nhằm đáp ứng với sự tăng trưởng cao của nền kinh tế và nhu cầu sinh hoạt ngày càng lớn của người dân.

Cũng tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu và trao đổi thông tin về các công nghệ năng lượng tiên tiến giúp tiết kiệm năng lượng như công nghệ nâng cao hiệu quả năng lượng cho ngành Điện và các doanh nghiệp sản xuất; công nghệ điện rác; công nghệ sử dụng nhiệt, nồi hơi hiệu quả cao...