Đảo nổi sinh điện

Hai công ty Thụy Sĩ đã hợp lực để xây dựng 3 đảo nổi "năng lượng mặt trời”, mỗi “hòn” đảo gồm 100 tấm quang điện, chúng được đặt trên mặt hồ Neuchâtel, Thụy Sĩ.

Mỗi "đảo" đường kính tới 25 mét, làm bằng vật liệu nhẹ, trên gắn các “tấm bắt nhiệt” thu năng lượng mặt trời (CSP). 3 đảo nổi CSP này được neo vào đáy hồ với các khối bê tông và bập bềnh tại đó.

100 tấm quang điện (pin mặt trời) trên các “hòn đảo” được đặt nghiêng 45 độ, sinh điện 1 chiều, sau đó qua máy biến tần thành điện lưới xoay chiều. Toàn bộ đảo có thể xoay 220 độ theo hướng của mặt trời để tối ưu hóa giờ nhận nắng, nó có thể khai thác nhiệt trong suốt cả ngày.

Ba đảo năng lượng mặt trời nhân tạo sẽ ra mắt tháng 8/2013

Các đảo CSP còn hội tụ nhiệt mặt trời vào các nồi hơi nhỏ để sản xuất hơi nước, hơi nóng dẫn bằng đường ống dẫn đến một nhà máy gần bờ, quay tuốc bin sinh điện tiếp. Theo thiết kế, mỗi hòn đảo năng lượng mặt trời sẽ sản xuất 33kW/h năng lượng điện.

Ba đảo năng lượng mặt trời nhân tạo sẽ ra mắt tháng 8/2013. Đảo có tuổi thọ 25 năm. Công ty năng lượng Thụy Sĩ có kế hoạch tăng sản lượng mỗi đảo lên 80 triệu kW/h trong 10 năm đầu.

Từ ý tưởng trên đây, một công ty khác cũng đề xuất một dự án về năng lượng mặt trời, gọi là các "miếng lily" thu nhiệt tạo ra pin sinh điện. Nó  sẽ  được đặt trong các kênh rạch, các nhánh sông có mặt phẳng thoáng đãng, không vướng giao thông để cung cấp điện cho địa phương.

Dự án này phù hợp với các vùng nông thôn, đầm lầy, nơi không có lưới điện công nghiệp, hoặc các trạm, trại, căn cứ quân sự dã ngoại gần nơi có mặt nước.


  • 09/04/2013 10:08
  • Lương Văn (theo Wired.co.uk)
  • 2029