Tiết kiệm không phải là hà tiện
Đã 5 giờ chiều, đèn chưa bật và máy điều hòa vẫn nằm im lìm trên tường, nhưng phòng khách của ông Hồng Hải, nhà ở 80/8 Nguyễn Trãi (quận 1) vẫn sáng trưng và mát mẻ. Ông Hải cười xòa: "Vì nhà có lợi thế ở bên ngoài nên có thể tận dụng được ánh sáng tự nhiên, vả lại mở cửa lấy gió trời vẫn tốt cho sức khỏe hơn là đóng cửa và mở máy điều hòa, lại tiết kiệm được điện".
Do tận dụng ánh sáng tự nhiên nên phòng khách của ông Hồng Hải không mấy khi phải dùng bóng điện
|
Nhà ông Hải là một trong số 240 hộ gia đình tiết kiệm điện tiêu biểu trong Chương trình thi đua gia đình tiết kiệm điện năm 2011 của TP Hồ Chí Minh, do Tổng công ty Điện lực TP (EVN HCMC) và Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP cùng tổ chức. Theo đó, những hộ gia đình tiết kiệm điện của các tháng 4, 5, 6 năm 2011 nếu sử dụng ít hơn 10% so với các tháng 4, 5, 6 của năm 2010, sẽ được bầu chọn là "Gia đình tiết kiệm điện năm 2011".
Dù được bầu chọn là "Gia đình tiết kiệm điện cấp TP" do lượng điện 3 tháng 4, 5, 6 của năm 2011 thấp hơn gần 20% so với 3 tháng cùng kỳ năm 2010, nhưng như ông Hải cho biết, gia đình không có bí quyết gì đặc biệt ngoài việc đơn giản là sử dụng điện năng hợp lý, hạn chế những thiết bị điện không cần thiết. Trong nhà bác, tủ lạnh để ở chế độ vừa phải, không mở cửa thường xuyên, không cho vật dụng nóng vào tủ lạnh; thay các bóng đèn huỳnh quang bằng bóng đèn tiết kiệm điện; là quần áo một lần cho cả nhà và trong vài ngày, chú ý bơm ga và vệ sinh điều hòa nhiệt độ để máy hoạt động đạt hiệu quả tốt nhất, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm (sáng từ 9h-11h, chiều từ 17h-20h)... Và với những thao tác hết sức đơn giản đó, có tháng tiền điện nhà ông giảm được gần 100.000 đồng. Tuy nhiên, bác Hải cũng lưu ý, tiết kiệm chứ không phải là hà tiện.
Gia đình anh Vũ Đức Minh ở 797 đường Hậu Giang, quận 6, cũng là một trong số 240 hộ đạt thi đua "Gia đình tiết kiệm điện tiêu biểu" cấp TP. "Thật bất ngờ" - Anh cười khi nghe EVN thông báo gia đình anh đạt tiêu chí thi đua. Anh chia sẻ, khi tiền điện bắt đầu tăng anh đã tự tiết kiệm để giảm chi phí tiền điện hằng tháng, nhất là khi giá điện tăng dần theo bậc thang thì dùng càng ít giá càng rẻ. "Thực ra tôi cũng chỉ thực hiện các thao tác đơn giản như hướng dẫn của điện lực TP như thay thế các đèn sợi tóc bằng đèn compact, tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi phòng...". Anh cũng đóng những chiếc bàn học nhỏ trong góc học tập cho các con và lắp bòng đèn đủ chiếu sáng thay vì để bàn lớn và dùng bóng điện công suất lớn như trước đây. Không chỉ thế, gia đình anh còn "mạnh tay" hơn, quyết định thay chiếc máy lạnh cũ đã dùng từ nhiều năm nay bằng chiếc máy lạnh mới. "Kể ra cũng hơi bị tốn, nhưng bù lại tiêu thụ điện ít hơn, lại được xài đồ mới".
"Chiếc chìa khóa phụ nữ"
Anh Vũ Đức Minh cho rằng, để thực hiện tiết kiệm thì vai trò phụ nữ là chủ yếu, bởi phụ nữ là "tay hòm chìa khóa" quản lý chi tiêu trong gia đình. Những cách tiết kiệm do anh đặt ra và chỉ dẫn, nhưng bà xã mới là người quản lý, giám sát việc thực hiện. "Tính tôi đàn ông hay quên, và tụi nhỏ cũng chưa biết tiết kiệm đúng cách nên bà xã nhiều lúc cũng gay gắt lắm" - anh Minh cười. Ban đầu, cũng thấy khó chịu khi đi ra đi vào cứ phải tắt đèn, tắt quạt, nhưng lâu rồi cũng thành thói quen, giờ thì không cần phải cố nhớ để thực hiện nữa.
"Thế mạnh" của phụ nữ cũng là điều mà bà Nguyễn Thị Bé, Chi hội trưởng Chi hội 4, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 9, quận 10 tận dụng để "khai thác" triệt để. Bà con xung quanh thường gọi là "bà Bé 6 lô". Bởi, cả 6 lô A, B, C, D, E, F của chung cư Ấn Quang bà đều thuộc làu làu từng hộ. "Phải thuộc, phải biết người ta sử dụng như thế nào mới vận động được" - bà nói. Thực ra thì Chương trình thi đua gia đình tiết kiệm điện được đưa xuống Hội Liên hiệp Phụ nữ từ năm 2009 để vận động các gia đình tiết kiệm điện nhưng không thành công vì không được nhiều người hưởng ứng. Nhưng đến mùa khô năm 2010, bà Bé đã nghĩ ra những cách thuyết phục đơn giản nhất. Với phụ nữ, vốn không quen định lượng số lượng điện đã dùng nên bà dùng hóa đơn tính tiền để thuyết phục, mượn hóa đơn từng gia đình rồi so sánh mức tiết giảm được. Hai chục ngàn đồng, rồi ba chục ngàn đồng..., từng con số cụ thể được phân tích cho chị em. Những con số tuy không lớn nhưng vẫn thuyết phục được các bà "tay hòm chìa khóa", vì như thế sẽ tiết giảm chi phí cho gia đình. Đến nay, việc vận động gia đình tiết kiệm điện không còn khó nữa, mà phần lớn các gia đình tự nguyện đến đăng ký tham gia.
"Nhiều nhỏ góp lại thành to". Mỗi khoản tiết kiệm điện từ vài chục (ngàn đồng) cho đến trên dưới 100.000 đồng của mỗi gia đình gộp lại cũng thành một con số tương đối lớn. Theo Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2011, chương trình thi đua các gia đình tiết kiệm điện ở TP Hồ Chí Minh đã tiết kiệm được tới 99,41 triệu kWh, đóng góp tới 50,96% vào số lượng tiết kiệm của toàn thành phố (195,10 triệu kWh, bao gồm cả điện dùng trong sinh hoạt và điện sản xuất, kinh doanh, chiếu sáng công cộng…). Như vậy, có thể thấy vai trò của các hộ gia đình trong phong trào tiết kiệm điện là rất lớn.
Nhờ chương trình tiết kiệm điện mà mùa khô năm nay TP Hồ Chí Minh ít bị cắt điện luân phiên như những năm trước, dù ngành Điện lực đã dự báo TP sẽ thiếu khoảng 2 triệu kWh/ngày. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng của Điện lực TP, việc tiết kiệm điện ngoài giảm chi phí cá nhân còn đỡ được gánh nặng cho đầu tư ngành Điện, hơn nữa cũng giảm thiểu việc thải khí CO2 ra môi trường. Cụ thể là lượng điện năng trong 3 tháng thực hiện Chương trình gia đình tiết kiệm điện năm 2011 (tháng 4, 5 và 6) đã góp phần giảm 36.980 tấn khí thải CO2, giúp giảm hiệu ứng nhà kính và góp phần bảo vệ môi trường.