Doanh nghiệp: Điểm sáng về tiết kiệm năng lượng

Giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng trong những tháng gần đây, vì vậy, giảm chi phí sản xuất, trong đó giảm chi phí năng lượng đang là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.

Chủ động, sáng tạo – giải pháp từ Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem)

Một trong những ngành tiêu thụ nhiều điện năng hiện nay, phải kể tới ngành Công nghiệp sản xuất  xi măng. Trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng, chi phí năng lượng chiếm từ 45% đến 50%. Đây chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải nhanh chóng tính toán và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là tiết kiệm than và điện...

Theo ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thì: “Vấn đề nghiêm trọng hơn là cùng với việc tăng giá, sản lượng điện và than chỉ đủ cung ứng 70% nhu cầu để sản xuất xi măng.”

Thiết bị đồng bộ và hiện đại giúp Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa Phát tiết kiệm điện tối đa

Để tháo gỡ khó khăn, ông Chung cho biết, Vicem đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực tìm mọi biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng. Theo đó, cùng với việc rà soát lại các định mức tiêu hao vật tư, nhiên liệu như điện, than, xăng dầu... các nhà máy xi măng đã bố trí lại lịch vận hành dây chuyền sản xuất, các thiết bị sử dụng nhiều điện năng chỉ được hoạt động vào giờ thấp điểm. Bên cạnh đó, Tổng công ty còn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án tận dụng nhiệt thừa của lò nung clinker để phát điện tại Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch và Tam Điệp. “Phấn đấu đến năm 2014, tất cả các nhà máy xi măng trong Tổng công ty đều có thiết bị sử dụng nhiệt thừa của lò nung clinker để phát điện, chủ động được từ 18% đến 20% lượng điện phục vụ cho sản xuất.” - Ông Chung nhấn mạnh.

Kiểm toán năng lượng – nhiều doanh nghiệp vào cuộc sớm

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dây chuyền thiết bị chưa thực sự đồng bộ, lượng tiêu hao điện năng lớn, thì cần sớm tiến hành kiểm toán năng lượng, từ đó có những giải pháp kịp thời về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo thông tin từ Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng của Bộ Công Thương, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tiến hành kiểm toán năng lượng, từ đó đưa ra các giải pháp đồng bộ tiết kiệm năng lượng rất hiệu quả.

Điển hình, có thể kể đến là Công ty Cổ phần XNK Sa Giang (KCN Sa Đéc, Đồng Tháp). Sau khi tiến hành kiểm toán năng lượng, Công ty đã xây dựng và đưa vào áp dụng nhóm giải pháp cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo tính toán, nếu Công ty đầu tư thực hiện tất cả các biện pháp đề ra, hằng năm sẽ tiết kiệm được trên 150 triệu đồng do tiết kiệm được gần 140 nghìn kWh điện, đặc biệt còn giảm được 86 nghìn tấn CO2 thải ra môi trường. Một ví dụ khác là Công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chuyên sản xuất, kinh doanh vắc xin và sinh phẩm các loại với số lượng trên 9 triệu liều/năm. Năng lượng tiêu hao chủ yếu của Công ty là dầu và điện, trong đó điện năng tiêu thụ chiếm tới 74%. Do đa phần thiết bị của Công ty đều đã cũ, sử dụng nhiều năng lượng như hệ thống điều hòa không khí, hệ thống AHU...nên tiêu hao điện năng rất lớn. Sau khi tiến hành kiểm toán năng lượng, Công ty đã đưa ra các nhóm giải pháp về sử dụng  năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tính toán sơ bộ ban đầu cho thấy, hằng năm Công ty có thể tiết kiệm 19% tổng năng lượng .

Quản lý hệ thống theo tiêu chuẩn ISO – Điểm sáng từ Hòa Phát

Thực hiện chủ trương tiết kiệm tối đa điện năng, thời gian qua, Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa phát (NLHP)  đã nâng cao chất lượng quản lý theo ISO, tích cực triển khai đồng bộ tất cả các giải pháp, từ khâu quản lý hệ thống, đến vận hành máy móc, thiết bị...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực, đại diện NLHP cho biết, đối với dây chuyền sản xuất, việc thực hiện tiết giảm sử dụng điện là bắt buộc, cụ thể: Hệ thống chiếu sáng xung quanh nhà máy được tiến hành bật xen kẽ các bóng điện. Đối với dây chuyền sản xuất, chủ yếu tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm và giờ bình thường, trong giờ cao điểm hạn chế tối đa chạy tất cả các công đoạn cùng một lúc. Có một điều khác biệt ở Công ty là không chỉ tiết kiệm điện, Công ty còn sản xuất đủ điện bán cho các đơn vị thành viên, cụ thể như: Cung cấp cho điện cho Nhà máy Coke và lượng điện tự dùng của Nhà máy Điện, phần còn lại Công ty bán cho Công ty CP Thép Hòa Phát nằm trong khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát, Không chỉ có NLHP mà hầu hết các Công ty trong Tập đoàn Hòa Phát đều xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO, nên việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, trong đó tiết kiệm điện luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu.

Trong bối cảnh nguồn cung cấp điện còn khó khăn như hiện nay thì những điểm sáng về tiết kiệm và tự chủ nguồn điện như các doanh nghiệp trên thực sự rất đáng được biểu dương, nhân rộng.


  • 08/08/2011 11:05
  • Theo Tạp chi Điện lực chuyên đề Quản lý Hội nhập
  • 1647


Gửi nhận xét