Khi Nhật Bản trợ giúp Việt Nam tiết kiệm năng lượng

Trước khi đi Nhật Bản công tác, anh bạn tôi có gửi cho tôi một email của phía đối tác với yêu cầu: “Do Nhật Bản đang thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng (TKNL) từ ngày 1/6 đến 30/9 nên quý khách vui lòng không mặc vest, không đeo cà vạt trong tất cả các chương trình làm việc, kể cả với Chính phủ Nhật Bản”.

Vậy mới thấy, người Nhật đã triển khai các hoạt động TKNL bài bản đến mức nào. Khi người Nhật bắt đầu các dự án thí điểm để triển khai các cơ chế trợ giúp Việt Nam trong việc TKNL như cơ chế bù đắp tín dụng song phương (BOCM), hoàn toàn có thể kỳ vọng nhiều vào hiệu quả TKNL của các dự án này.

Từ một dự án thí điểm…

Tiềm năng TKNL ở tất cả mọi lĩnh vực tại Việt Nam đang ở mức vô cùng lớn, vào khoảng 10 – 40% tùy lĩnh vực, trong đó, một trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất là tòa nhà và khách sạn. Tuy nhiên, do những rào cản lớn, đặc biệt là về công nghệ và tài chính, không nhiều đơn vị có thể thực hiện các giải pháp TKNL một cách bài bản, hiệu quả TKNL thu được từ đó chưa cao. Khách sạn Legend (TP. Hồ Chí Minh) là một đơn vị như vậy.

Buổi tối nhiều bảng quảng cáo ngoài trời trên một tuyến phố lớn ở thành phố Osaka (Nhật Bản) không hoạt động nhằm tiết kiệm điện - Ảnh: Anh Tú

Theo đó, để hỗ trợ khách sạn Legend thực hiện các giải pháp TKNL, dự án TKNL tại đây đã được triển khai thực hiện với các giải pháp tập trung vào khâu quản trị năng lượng và các thiết bị sử dụng năng lượng. Ông Satoshi Nakamura – Tư vấn cao cấp Tập đoàn Mitsubishi UFJ Morgan Stanley – một trong những đơn vị thực hiện dự án này cho biết: Tại khách sạn này, để TKNL, chúng tôi đã áp dụng hệ thống quản trị năng lượng BEMS, hệ thống bơm nhiệt, vòi hoa sen tiết kiệm nước… Dự kiến, những giải pháp này sẽ giúp khách sạn tiết kiệm được khoảng 100.000 USD/năm từ chi phí TKNL. Bên cạnh đó, dự án còn giúp tiết giảm được 700 tấn CO­2. Khoản COtiết giảm được này sẽ được Chính phủ Nhật Bản mua lại.

Điều đáng nói là, với một đất nước có tốc độ phát triển khoa học công nghệ lớn như Nhật Bản, thiết bị được sản xuất tại đây dù mang lại hiệu quả TKNL rất cao, nhưng mức chi phí cũng không nhỏ. DN Việt Nam với phần đông là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì thế không nhiều DN có thể đủ khả năng tài chính để đầu tư. Để giải quyết vấn đề này, mức chi phí khoảng 400.000 USD cho dự án đầu tư TKNL tại khách sạn Legend đã được chi trả hoàn toàn theo hình thức ESCO bởi Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Năng lượng Việt (Viet ESCO). Theo đó, Viet ESCO đã đầu tư hoàn toàn cho thiết bị TKNL. Lợi nhuận từ tiền điện tiết kiệm được sau khi áp dụng các giải pháp TKNL sẽ được chia đều cho Viet ESCO và khách sạn. Sau khi Viet ESCO thu lại được chi phí đầu tư ban đầu cùng một số lãi nhất định, toàn bộ thiết bị sau dự án sẽ thuộc về khách sạn.

…đến một cơ chế lớn cho Việt Nam

Cũng theo ông Satoshi Nakamura: Dự án đầu tư TKNL tại khách sạn Legend chỉ là một dự án “tiền trạm” để các DN Nhật Bản đề xuất Chính phủ Nhật Bản cho phép thực hiện cơ chế BOCM tại Việt Nam. Với mức hỗ trợ dự kiến khoảng 30 – 40%/dự án, nếu được triển khai, BOCM sẽ mang lại những hiệu quả lớn cho các DN Việt Nam muốn triển khai TKNL.

Đoàn Việt Nam thăm quan tòa nhà Mori – một tòa nhà Nhật Bản được thực hiện nhiều giải pháp TKNL

Ông Shigenori Hara - Giám đốc Văn phòng Công nghệ và Đối tác môi trường toàn cầu - Bộ Kinh tế và Công Thương Nhật Bản (METI) cho biết thêm: “BOCM là một khoản tín dụng bù đắp song phương với tiêu chí 2 bên đều có lợi. Nó hỗ trợ cho DN Việt Nam có thể có cơ chế tín dụng, còn DN Nhật Bản có thể đạt được những mục tiêu kinh doanh của mình”. BOCM được thực hiện với hình thức phía Nhật Bản sẽ cho DN Việt Nam vay tiền để thực hiện các hoạt động TKNL như ứng dụng các công nghệ tiên tiến, TKNL và có hàm lượng phát thải cacbon thấp. Cụ thể hơn, ví dụ như với dự án TKNL tại khách sạn Legend, để thu hồi vốn, Viet ESCO phải mất khoảng 5 năm thì nếu nhận được hỗ trợ BOCM với mức 30 – 40% tổng giá trị đầu tư thì dự án chỉ mất khoảng 3 năm để thu hồi vốn.

Chương trình BOCM là chương trình nhằm cắt giảm phát thải CO2 trong nhiều lĩnh vực như TKNL trong tòa nhà, khách sạn; Thay thế nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông... Tuy nhiên, trước mắt, tòa nhà và khách sạn là đối tượng được thực hiện những dự án BOCM đầu tiên. Để đủ điều kiện để có thể được hưởng BOCM, đầu tiên, các đơn vị phải đặt ra tiêu chí cắt giảm CO2; thứ hai là họ phải trình ra được phương pháp luận, các giải pháp tính toán để làm sao cắt giảm được lượng CO2 đó và phương pháp đó phải được công nhận bởi Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản thì mới chính thức được nhận hỗ trợ từ BOCM. Dự kiến, khoảng 30 tòa nhà, khách sạn tại Việt Nam sẽ được chọn để tham gia các dự án hỗ trợ này trong năm 2013. Các DN tham gia dự án sẽ được giới thiệu, tìm hiểu, hỗ trợ tài chính và đào tạo nhân sự để vận hành thiết bị một cách hiệu quả nhất.

Chiến lược TKNL đang được triển khai sâu rộng tại Việt Nam và với những hỗ trợ tích cực như BOCM từ phía Nhật Bản, nhiều rào cản lớn khiến DN Việt Nam khó thực hiện các giải pháp TKNL sẽ phần nào được dỡ bỏ. Ở thời điểm này, sẽ là quá sớm để khẳng định sự thành công của bất cứ một dự án nào, nhưng với sự chung tay từ nhiều phía, đặc biệt là sự trợ giúp của một quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện TKNL một cách bài bản như Nhật Bản, có thể kỳ vọng nhiều hơn vào khả năng TKNL của DN Việt Nam trong tương lai.


  • 06/11/2012 03:10
  • Theo báo Kinh tế Việt Nam
  • 2340


Gửi nhận xét