Đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Vũ Nam Phương, sinh viên năm thứ 2 một trường ĐH tại Hà Nội, là Trưởng dự án môi trường mang tên “Hiệp sĩ Xanh”. Thông qua các khóa học thực tế về 3 chủ điểm: Động vật và thực vật; Rác thải và năng lượng; Biến đổi khí hậu và tương lai. Dự án môi trường này đặt mục tiêu đào tạo 70 em học sinh ở độ tuổi từ 8-12 ở Hà Nội, giúp các em có thêm những kiến thức về các lĩnh vực này. Đây là một hoạt động tình nguyện và các em học sinh hoàn toàn tự nguyện khi đăng ký tham gia.
|
Các em học sinh được "học mà chơi, chơi mà học" - Ảnh: Nguồn Internet.
|
Dự án cũng tổ chức các chuyến du lịch thực nghiệm cho các em vào các ngày cuối tuần từ ngày 2- 24/3/2013 nhằm giúp các em tiếp thu các kiến thức một cách chủ động thông qua các trò chơi vận động, chia sẻ, thảo luận nhóm, bài tập thực hành, thuyết trình, diễn kịch thay vì chỉ học lý thuyết khô khan.
Trong khi tham gia khóa học, các em học sinh cùng với các sinh viên quốc tế sẽ quay hai bộ phim ngắn về biến đổi khí hậu và làm sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường. Sản phẩm của các em sẽ được trưng bày trong Tuần lễ Môi trường từ 30/3 đến 6/4/2013.
Sau dự án này, các em sẽ trở thành những người có kiến thức về biến đổi khí hậu, tạo cho các em niềm say mê chủ động tìm tòi học hỏi để rèn luyện các kiến thức kỹ năng sống, học tập hàng ngày. Cuối chương trình các em sẽ cùng ký một “Hợp đồng xanh” với cam kết sẽ về thuyết phục bố me, gia đình thay đổi hành vi để có cuộc sống xanh như: Thay bóng đèn sợi tóc bằng bóng đèn huỳnh quang, dùng túi vải để hạn chế dùng túi nilông, tắt bóng đèn khi không cần thiết, tiết kiệm nước sinh hoạt hay tắt đèn xe máy khi đợi đèn đỏ trên 25 giây,….
“Tôi thấy đây là một chương trình giáo dục về môi trường bổ ích không chỉ cho các con mà còn với cả các phụ huynh. Nhiều khi tôi muốn giáo dục cho con nhưng lại chưa đủ kiến thức và kỹ năng phù hợp để truyền đạt, thì nay, với chương dự án này, các con đã có được những kiến thức mà các con cần”, chị Trịnh Phương Thúy, một phụ huynh có con sẽ tham gia dự án nhận xét.