Nếu biết tái chế đúng cách, tấm quang điện mặt trời không phải là rác mà là tài nguyên...

Với tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào, điện mặt trời (ĐMT) cũng được xác định là công nghệ điện năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đặt ra hiện nay là cần xây dựng các giải pháp đảm bảo xử lý nguồn rác thải, đồng thời, tận dụng cơ hội để chúng ta hình thành và phát triển thành một ngành công nghiệp trong tương lai.

Ưu tiên phát triển

Nhằm giúp các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp cùng đưa ra các giải pháp, kiến nghị để có cơ chế, chính sách về tái chế tấm quang điện năng lượng mặt trời theo hướng phát triển bền vững, ngày 28/4, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam tổ chức hội thảo: “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế tấm quang điện năng lượng mặt trời, áp dụng đối với Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho hay, điện mặt trời là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường...

Dự kiến năm 2045, công suất điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 53GW - Ảnh minh họa.

Do đó, theo ông Hội, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cần đặt trong bối cảnh tổng thể các giải pháp, đặc biệt trong vấn đề xử lý nguồn rác thải từ việc phát triển nguồn năng lượng này. Theo đó, năm 2019, công suất điện mặt trời của Việt Nam vào khoảng 6,74GW.

Theo Bản dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất điện mặt trời khoảng 18,89GW và năm 2045 dự kiến khoảng 53GW. Nếu các con số trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trở thành thực tế thì khối lượng tích lũy chất thải tấm quang điện ước tính 404 ngàn tấn vào năm 2035 và vào khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045.

"Khối lượng chất thải tấm quang điện mặt trời tại Việt Nam tuy khá nhỏ so với các nước dẫn đầu trên thế giới, ước tính khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045, bằng khoảng 11% lượng tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay, khoảng 17 triệu tấn, nhưng để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm quang điện mặt trời" - ông Hội nhấn mạnh và dẫn chứng thêm, nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp tái chế tấm pin trong tương lai.

Chia sẻ thêm về thực trạng của ĐMT hiện nay, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - cho hay, trong những năm gần đây, với thay đổi lớn từ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ, năng lượng tái tạo, đặc biệt là ĐMT đang nổi lên như một điểm sáng trong mô hình năng lượng chung ở Việt Nam và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn điện, đảm bảo năng lượng trong các giai đoạn tới.

Cụ thể, tính tới hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng khoảng 25,3%.

Với tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào, ĐMT cũng được xác định là công nghệ điện năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cùng với những lợi ích tích cực mà ĐMT mang lại, loại hình năng lượng này cũng tiềm ẩn một vài nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam đang trong giai đoạn mới bắt đầu phát triển loại hình năng lượng này, kế thừa những kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, Chính phủ cần khuyến khích nhiều hoạt động nghiên cứu để đưa ra các chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các tấm quang điện hỏng, tận dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn theo xu hướng chung của thế giới.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Với tốc độ phát triển ĐMT ngày càng nhanh thì lượng tấm quang điện năng lượng thải ra sẽ ngày một lớn. Theo tiến sĩ Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg, thì điện năng sản xuất từ ĐMT đến các năm 2030 và 2050 sẽ lần lượt là 35,4 tỷ kWh và 210 tỷ kWh. Với cường độ năng lượng mặt trời ở Việt Nam, để có được các sản lượng ĐMT nói trên thì công suất lắp đặt ĐMT đến các năm 2030 và 2050 lần lượt vào khoảng 29.000 MWp và 170.000 MWp. Trung bình một nguồn ĐMT công suất 1 MWp sẽ thải ra gần 70 tấn phế thải sau khoảng 20 - 25 năm kể từ ngày nguồn bắt đầu phát điện.

Do vậy, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu gom, xử lý và tái chế cũng như ban hành các cơ chế chính sách phù hợp đối với tấm quang điện năng lượng mặt trời thì Việt Nam nhằm giảm gánh chịu những hậu quả từ ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, về phương án chôn lấp, ông Khôi cũng đặt ra câu hỏi: Có nên được thay thế hoàn toàn bằng thu gom, tái chế để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và lấy lại các vật liệu có giá trị từ tấm quang điện năng lượng mặt trời hay không?...

Đề giải quyết những vấn đề nêu trên, ông Khôi đã đề ra một số giải pháp: Thứ nhất, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc thu gom, xử lý tấm quang điện hết hạn sử dụng. Thứ hai, quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải “thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật”. Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng và sớm hình thành bộ phận (Ủy ban) quản lý môi trường xây dựng các quy định và giám sát việc quản lý cuối cùng đối với các tấm quang điện mặt trời. Thứ tư, xây dựng cơ chế và đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế tấm thu năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Thứ năm, cần có cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực. Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền về ý thức trong việc sử dụng, thu gom và tái chế tấm quang điện mặt trời một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Khôi cũng đưa ra một số kiến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường thu gom, tái chế tấm quang điện đã qua sử dụng. Nghiên cứu, ban hành quy định về việc cho ngừng hoạt động, lưu trữ hoặc tái chế tấm quang điện nhằm hạn chế hoặc cấm việc chôn lấp tấm quang điện đã qua sử dụng; Xây dựng, ban hành cơ chế ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà phân phối đối với xử lý, tái chế tấm tấm quang điện khi hết hạn sử dụng; Xem xét, cho phép hình thành Hiệp hội Doanh nghiệp tái chế tấm quang điện mặt trời.

Cũng tại hội thảo, ông Đào Trần Nhân - đại diện Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại (VICETA) - đã chia sẻ một số giải pháp, kinh nghiệm xử lý và tái chế tấm quang điện của một số nước thế giới có thể áp dụng đối với Việt Nam, đặc biệt là các nước có nền công nghiệp tái tạo phát triển như Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Cụ thể, ông Nhân nêu bật vai trò của nhà đầu tư và công ty chuyên xử lý môi trường của Thụy Sỹ như đã áp dụng công nghệ tái chế bằng cách tận dụng những vật tư linh kiện còn giá trị sử dụng và tiêu hủy những vật tư không còn giá trị sử dụng. Đồng thời, dùng các tấm pin ĐMT làm nguồn nguyên liệu chế tạo pin xe điện (như ô tô, xe máy).

Đưa ra một số đề xuất các giải pháp xử lý, tái chế tấm quang điện tại Việt Nam, ông Nhân kiến nghị đối với nhóm giải pháp về chính sách, cần xây dựng quy định về thời gian ngừng hoạt động, lưu trữ hoặc tái chế tấm quang điện, và có quy chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng giữa các bên. Đối với nhóm giải pháp về công nghệ, cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể đối với từng loại tấm quang điện và xây dựng quy chế giám sát, kiểm soát chất lượng tấm quang điện mặt trời. Bên cạnh đó cần có cơ chế khuyến khích tái chế, cũng như xây dựng các chế tài xử phạt đúng quy định khi có vi phạm.

“Ngoài ra, cần tăng cường giải pháp tuyên truyền về lợi ích của tấm quang điện mặt trời nếu chúng ta biết tận dụng xử lý và tái chế đúng cách. Bởi, tấm quang điện không phải là rác mà là tài nguyên và khi hết hạn sử dụng không phải là khủng hoảng mà là cơ hội để chúng ta hình thành và phát triển thành một ngành công nghiệp trong tương lai” - ông Nhân nhấn mạnh.

Link gốc


  • 04/05/2021 10:30
  • Nguồn: congthuong.vn
  • 1156