Luật mới được thông qua đầu tuần này, nhằm thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng, từ đó giúp Nhật Bản đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2013.
Trên thực tế, đất nước "Mặt trời mọc", với nguồn tài nguyên hạn hẹp, có tỷ lệ tiết kiệm năng lượng thấp nhất trong các nước OECD (11,2% vào năm 2020). Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu đang tăng phi mã gây tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước, Nhật Bản buộc phải đẩy nhanh các biện pháp tiết kiệm năng lượng một cách mạnh mẽ hơn.
Theo quy định của luật, các ngôi nhà ở mới và tòa nhà văn phòng nhỏ bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiết kiệm năng lượng liên quan đến vấn đề cách nhiệt, cửa sổ và các tính năng khác.
Ở Nhật Bản, các quy định về tiết kiệm năng lượng lâu nay áp dụng cho các tòa nhà gần như được chia thành hai loại: một phần liên quan đến các quy định về cách nhiệt, độ kín gió cho bề mặt của tòa nhà (sàn, tường, cửa sổ mái,...) và phần còn lại liên quan đến quy định về số lượng năng lượng tiêu thụ chính trong tòa nhà (tức là tổng lượng năng lượng tiêu thụ để dùng điều hòa không khí, đun nước nóng, chiếu sáng,…) Mục đích của quy định mới là thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả hơn bằng cách cải thiện độ kín gió, khả năng cách nhiệt của các tòa nhà, cũng như cải thiện hiệu quả năng lượng của máy điều hòa không khí và thiết bị chiếu sáng…
Trước đó, các khối văn phòng lớn hơn có diện tích sàn từ 300m2 trở lên đã phải tuân theo các yêu cầu tương tự. Tại các khu vực được các thành phố chỉ định để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, các kiến trúc sư sẽ được yêu cầu giải thích tác động của việc giới thiệu các thiết bị năng lượng tái tạo cho chủ sở hữu tòa nhà. Đồng thời, các thành phố sẽ hợp lý hóa các hạn chế về chiều cao của tòa nhà lẫn trở ngại khác để giúp việc cải tạo tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, Cơ quan Tài chính nhà ở Nhật Bản cũng sẽ đưa ra chương trình cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ việc cải tạo tiết kiệm năng lượng cho các ngôi nhà hiện có.
Link gốc