Theo Giám đốc ECC HCMC, phương pháp sấy truyền thống trước đây có rất nhiều hạn chế như không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không đảm bảo vệ sinh, thời gian phơi kéo dài, hiệu suất thấp và phụ thuộc vào thời tiết.
Ông Huỳnh Kim Tước cũng cho biết, từ năm 2015, ECC HCMC đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công máy sấy thực phẩm bằng năng lượng mặt trời. Theo đó, nhiều địa phương đã đưa vào áp dụng máy sấy này cho nhiều loại thực phẩm khác nhau như sấy cá dứa, tổ yến tại Cần Giờ, sấy cơm nhãn tại Vĩnh Long, sấy trà chùm ngây tại An Giang… Những máy sấy thực phẩm bằng năng lượng mặt trời này còn có thể áp dụng để sấy nhiều loại thực phẩm khác như tôm, khoai lang, nấm…
Ông Stefan Koch, Giám đốc bộ phận kinh doanh cùng người thu nhập thấp khu vực Đông Nam Á, Công ty Covestro đang giới thiệu các giải pháp vật liệu mới trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh: Mai Nhiệm.
|
Tại hội thảo, các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đã được tiếp cận các giải pháp vật liệu mới trong nông nghiệp như: Nhà sấy năng lượng mặt trời hiệu ứng nhà kính, kho lạnh sử dụng vật liệu PUR, PIR… do Công ty Covestro (Hà Lan) giới thiệu.
Ông Stefan Koch, Giám đốc bộ phận kinh doanh cùng người thu nhập thấp khu vực Đông Nam Á, Công ty Covestro cho biết: “Mô hình nhà sấy năng lượng mặt trời sẽ giải quyết vấn đề chế biến sau thu hoạch cho người dân, góp phần chống lại sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cùng các đại biểu tham dự đã thảo luận các chuyên đề như: Cơ hội thị trường cho sản phẩm nhà sấy sử dụng hiệu ứng nhà kính và kho lạnh sử dụng vật liệu PUR/PIR tiên tiến tại Việt Nam; tìm hiểu về những yêu cầu kỹ thuật cần có của nhà sấy sử dụng hiệu ứng nhà kính và kho lạnh sử dụng vật liệu PUR/PIR tiên tiến tại Việt Nam; hợp tác chiến lược phát triển sản phẩm và thị trường nhà sấy sử dụng hiệu ứng nhà kính và kho lạnh sử dụng vật liệu PUR/PIR tiên tiến tại Việt Nam.