Phát biểu tại buổi trình bày kế hoạch tiết kiệm năng lượng ở Paris, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne cho biết, đây là "cuộc tổng động viên" với các biện pháp toàn diện và đương nhiên sẽ có nhiều thách thức. Kế hoạch này là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong cam kết dài hạn của nước Pháp nhằm giảm tiêu thụ năng lượng tới 30% vào năm 2030 trong lộ trình chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Élisabeth Borne nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng không phải là tiêu thụ ít hơn và giảm phát triển, mà là tránh tiêu thụ không cần thiết và tất cả không tiêu thụ cùng một lúc. Chính phủ và các bộ sẽ đi đầu trong kế hoạch tiết kiệm năng lượng này, cùng thực hiện là cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kế hoạch hành động này là để ứng phó tình huống khẩn cấp về năng lượng, đồng thời là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi sinh thái và bảo đảm chủ quyền năng lượng của nước Pháp.
Đối với khu vực công, nhiệt độ ở các văn phòng không được vượt quá 19 độ C và hệ thống sưởi phải ngừng hoạt động vào ban đêm. Các tỉnh có thể khuyến khích nhân viên công sở làm việc từ xa với phụ cấp tăng thêm 15% (2,88 Euro)/ngày.
Nhân viên chính phủ được khuyến nghị đi làm bằng phương tiện công cộng. Nếu bắt buộc phải sử dụng ô-tô, không được đi quá 110km/h trên đường cao tốc (tốc độ cao nhất ở Pháp là 130km/H) để tiết kiệm 20% nhiên liệu. Quy định này không bắt buộc đối với khu vực tư nhân và người dân.
Nguồn cung cấp nước nóng ở các văn phòng chỉ được sử dụng khi cần thiết, như pha trà hay cà-phê. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm giảm tiêu thụ ánh sáng, sưởi ấm ở các khu vực công cộng, kể cả hồ bơi và trung tâm giải trí. Một số khu vực đặc biệt như bệnh viện, nhà dưỡng lão hoặc những nơi có người dễ bị tổn thương được miễn áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng như vậy.
Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne kỳ vọng kế hoạch này sẽ tạo ra "hiệu ứng tiết kiệm năng lượng lâu dài" trên toàn nước Pháp
|
Các doanh nghiệp không phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như khu vực công, trừ quy định bắt buộc đóng các cửa tiếp đón khách khi bật điều hòa đã có hiệu lực từ tháng 10. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng vào lúc ít khách hoặc đóng cửa.
Chính phủ sẽ thiết lập hệ thống đăng ký tiết kiệm năng lượng, theo đó nếu doanh nghiệp nào ký cam kết và thực hiện triệt để các biện pháp giảm tiêu thụ sẽ được thưởng.
Đối với các hộ gia đình, các biện pháp này được khuyến khích thực hiện, như giảm 1 độ C nhiệt độ trong nhà hay tắt hết các thiết bị khi không sử dụng.
Theo Thủ tướng Pháp, kế hoạch tiết kiệm năng lượng toàn diện này là hướng tới mục tiêu dài hạn của nước Pháp nhằm trung hòa khí thải carbon và chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Pháp đặt mục tiêu giảm 40% tiêu thụ năng lượng để góp phần chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu vào năm 2050.
Năm 2023, ngân sách của Pháp dành cho chuyển đổi sinh thái lên tới 1,5 tỷ Euro. Do vậy, chi phí triển khai kế hoạch vừa công bố như thay đèn chiếu sáng tiết kiệm điện, cải tạo hệ thống giữ nhiệt ở các nơi tiếp đón công cộng hay hỗ trợ chi phí đi xe chung sẽ được trích từ quỹ này.
Hiện có nhiều doanh nghiệp ở Pháp đã cam kết thực hiện tiết kiệm năng lượng ở các cơ sở như nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí, trượt tuyết... Đây là những nơi tiêu thụ nhiều năng lượng cho hệ thống nước nóng, sưởi và chiếu sáng.
Chính phủ Pháp bắt đầu xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng từ đầu hè vừa qua nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng bùng phát kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine. Hơn 400 chuyên gia và đại diện các ngành kinh tế đóng góp ý kiến cho chính phủ trong quá trình soạn thảo kế hoạch này.
Trong những ngày tới, các phương tiện truyền thông ở Pháp sẽ triển khai chiến dịch tuyên truyền về các biện pháp cũng như tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, đồng thời có bản tin "dự báo năng lượng" để cập nhật tình hình sử dụng cũng như nguy cơ thiếu hụt.
Link gốc