Các loại công nghệ này hiện đã được thương mại hóa. Không chỉ sạch, điện làm ra từ rác thải còn là nguồn năng lượng tái tạo, đóng góp không nhỏ vào bảo vệ môi trường.
Chính phủ đã có hẳn cơ chế khuyến khích các dự án phát điện từ rác. Bao nhiêu điện làm từ rác thải đều được mua hết... Theo nhiều nhà chuyên môn, ở các bãi chôn lấp rác phát sinh một lượng khí metan (CH4) khổng lồ, nếu không được thu gom, xử lý, chúng sẽ bốc lên không trung và trở thành khí gây hiệu ứng nhà kính gấp hàng chục lần khí CO2. Tuy nhiên, nếu chúng được thu gom, tận dụng sẽ trở thành thứ hữu ích cho xã hội.
Tận thu khí gas của bãi rác
Dự án đầu tiên ở VN tận thu khí gas của bãi rác chuyển hóa thành năng lượng điện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, là dự án được thực hiện trên thực tế tại khu xử lý rác Gò Cát (quận Bình Tân, TP.HCM). Hiện tại, lượng điện làm ra theo phương thức này khoảng 2.000 kWh/ngày.
Nhân viên Nhà máy phát điện Gò Cát vận hành máy phát điện khí biogas (từ rác).
|
Nhà máy sản xuất điện tận thu khí gas từ rác ở Gò Cát được đưa vào sử dụng từ năm 2005, khi đó cách làm này còn mới mẻ tại Việt Nam, cũng chưa có những chính sách, quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng rác thải. Giá điện được mua trong những năm đầu nhà máy hoạt động là 757,28 đồng/kWh.
Nay Chính phủ đã quy định giá mua điện được làm ra từ loại công nghệ này - tận thu khí gas ở bãi rác để phát điện - là 1.532 đồng/kWh, tăng gần gấp đôi so với trước. Còn đối với các dự án phát điện đốt rác trực tiếp, giá mua điện ở mức cao hơn: 2.114 đồng/kWh - như một biện pháp khuyến khích xử lý rác triệt để.
Giới thiệu cụm ba tổ máy phát điện sử dụng khí gas ở khu xử lý rác Gò Cát, ông Nguyễn Thanh Truyền - đội phó đội vận hành trạm phát điện và xử lý nước (Xí nghiệp xử lý chất thải) - cho biết đây là dự án do Hà Lan tài trợ.
Theo đó, công nghệ được sử dụng là ủ phân hủy rác, tạo khí metan. Lượng khí thu được sau khi cho chạy qua hệ thống xử lý, được dẫn vào chạy ba máy phát điện. Toàn bộ lượng năng lượng sạch này được đấu nối vào lưới điện quốc gia và được trả tiền theo giá mua điện do Chính phủ quy định. Đồng hồ đếm lượng điện đưa lên lưới điện quốc gia bao nhiêu thì được trả tiền bấy nhiêu.
Trên diện tích khoảng 17ha, khu xử lý rác Gò Cát đã chứa đầy rác. Hiện khối lượng rác khổng lồ ở đây đang trong quá trình phân hủy.
Trên diện tích này có hàng chục giếng thu khí gas, với mỗi ống thu chôn sâu hơn 20m, để tận dụng lượng khí thu được và làm ra điện. Nhờ tận dụng nguồn khí gas từ rác thải, đến nay lượng điện làm ra từ cụm nhà máy nói trên là hơn 7 triệu kWh và khoản tiền thu được hơn 6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Truyền, khí gas thu được nhiều nhất rơi vào giai đoạn rác phân hủy nhanh, trung bình 12.000 m3/ngày và lượng điện làm ra cũng cao hơn. Ông Truyền nhấn mạnh thêm bên cạnh lợi ích kinh tế, thì lợi ích về môi trường của việc tận thu khí gas từ rác chuyển hóa thành năng lượng điện còn mang ý nghĩa lớn hơn.
Mua toàn bộ điện làm từ rác
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Kim Tước - giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM - đánh giá: cùng với chính sách giá mua điện làm từ rác, mặt bằng giá dịch vụ xử lý rác như hiện nay... thì đây là những điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư xử lý rác thải. PGS.TS Phùng Chí Sỹ - tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN - phân tích với giá mua điện làm từ rác thải như Chính phủ quy định hiện nay, các dự án đốt rác phát điện tại VN nói chung và tại TP.HCM nói riêng sẽ trở nên khả thi hơn. Ông Sỹ cho biết tại TP.HCM đã có một số dự án nghiên cứu tiềm năng đốt rác phát điện.
Ngoài quy định cụ thể về giá mua điện, Chính phủ còn quy định nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện sử dụng rác thải. Đây là cơ chế riêng hỗ trợ cho các dự án loại này. Nhằm tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, Chính phủ đã quy định cụ thể: Tập đoàn Điện lực VN (hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền) có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy phát điện sử dụng rác thải. Thời hạn hợp đồng đến 20 năm, sau đó có thể gia hạn hoặc ký hợp đồng mới...
Cũng theo quy định của Chính phủ, dự án phát điện sử dụng rác thải được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; các ưu đãi về đất đai cũng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Ông HUỲNH KIM TƯỚC (giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM): Mua điện từ rác - một chính sách tốt
Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại VN theo quyết định của Thủ tướng (số 31 ngày 5-5-2014) là chính sách tốt. Cơ chế này thể hiện rõ nhiều ưu đãi và nhiều biện pháp hỗ trợ khác, trong đó quy định rõ về giá mua điện làm từ rác thải..., nên đây được xem là nền tảng để các địa phương lựa chọn công nghệ xử lý rác.
Về mặt chuyên môn, có thể thấy rằng giá mua điện làm từ rác thải được quy định tại quyết định nói trên của Thủ tướng là mức giá mua khá tốt. Với quy định này, ngoài chi phí dịch vụ xử lý rác, nhà đầu tư làm điện từ rác còn thu được khoản tiền bán điện.
Như vậy, hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế trong xử lý rác thải sẽ tăng lên, bên cạnh nhiều lợi ích về môi trường do công nghệ và cách làm tiên tiến, hiện đại mang lại. Cách làm này cũng mang đến cơ hội cho các địa phương lựa chọn được công nghệ xử lý rác thải phù hợp, góp phần giảm chi phí chi trả cho dịch vụ xử lý rác.
Đã có cơ chế hỗ trợ nhưng còn ít dự án
Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP chỉ mua điện thông qua dự án thu khí gas phát điện từ Nhà máy điện Gò Cát (công suất 2,43 MW) từ năm 2005. Giá mua điện hiện tại là 1.532 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Cũng theo Tổng công ty Điện lực TP, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề đầu tư công nghệ đốt rác trực tiếp phát điện, nhưng đến nay chưa có dự án nào khả thi.
Trong nước, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn VN cũng đã xúc tiến đầu tư về việc bán điện từ dự án phát điện sử dụng chất thải rắn ở khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước với công suất khoảng 12 MW, nhưng đến nay dự án này cũng chưa hoàn thành để phát điện.
|