Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo vượt khó

Xây trường học, trao học bổng, tặng xe đạp, máy tính, sách vở cho học sinh nghèo... Đó là những chương trình an sinh xã hội mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai, để đồng hành cùng ngành Giáo dục - Đào tạo nuôi dưỡng, “chắp cánh” ước mơ cho học sinh nghèo vượt khó.

Tiếp sức đến trường

Trung tuần tháng 8/2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) khởi động Quỹ học bổng “Niềm tin Việt” dành cho học sinh nghèo, vượt khó trên cả nước. Đến nay, “Niềm tin Việt” đã đến với học sinh nghèo ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Quảng Bình... Dự kiến, trong năm học 2016 - 2017, “Niềm tin Việt” sẽ trao tặng 500 suất học bổng với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.

Là một trong những học sinh nghèo vượt khó đầu tiên được nhận học bổng Niềm tin Việt, em Lê Thị Nhung (Lớp 9A - Trường THCS Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội), có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ mất khi Nhung chưa tròn 2 tuổi. Bố em sống cảnh “gà trống nuôi con”, làm ruộng nuôi hai anh em khôn lớn. Thế nhưng, tai họa lại giáng xuống gia đình em, khi giữa năm 2016, bố em phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Mọi gánh nặng gia đình giờ đây đặt cả lên vai gầy của bà nội đã 86 tuổi.

Nhung nghẹn ngào: “Em ước gì có một phép màu giúp bố em khỏi bệnh để chăm sóc bà và nuôi hai anh em khôn lớn. Anh trai em năm nay đang học lớp 12, chuẩn bị thi vào đại học. Nhưng với hoàn cảnh như thế này, không biết anh em có đủ nghị lực thi đại học hay không...?”. Nhung chia sẻ thêm: “Học bổng Niềm tin Việt thực sự là món quà quý giá, giúp gia đình em vơi bớt phần nào khó khăn hiện nay”.

Cũng có hoàn cảnh éo le, nhưng luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và học tập, đó là em Nguyễn Đức Thịnh - Học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thịnh bị bệnh “giảm tiểu cầu mãn” đã hơn 7 năm. Chỉ cần ngã, hay bị xây xước là tính mạng của em có thể bị đe dọa, nên Thịnh không được chạy nhảy, vui chơi thoải mái như các bạn cùng trang lứa. Cuộc sống của em gắn liền với tủ thuốc, với những đợt điều trị dài ngày ở bệnh viện.

Chị Đỗ Thị Lài - mẹ Thịnh cho biết, gia đình chị chỉ có 2 sào ruộng, chồng làm thợ xây, thu nhập của gia đình chưa đến 200.000 đồng/ngày. Trong khi đó, tiền thuốc mỗi tháng của Thịnh lên tới 10 triệu đồng và phải chữa trị lâu dài. Do đó, nợ cũ chưa trả xong, nợ mới đã tới. “Chúng tôi thực sự cảm động khi cháu Thịnh được nhận học bổng “Niềm tin Việt”. Đây là món quà có ý nghĩa rất lớn, vừa hỗ trợ về mặt kinh tế cho gia đình tôi, vừa khích lệ Thịnh nỗ lực, cố gắng hơn trong học tập”, chị Lài chia sẻ. 

Đoàn Thanh niên EVN tặng quà  cho trẻ em nghèo tỉnh Lai Châu

Đồng hành cùng ngành Giáo dục

Cùng với Quỹ học bổng Niềm tin Việt, EVN còn triển khai rất nhiều chương trình an sinh xã hội dành cho ngành Giáo dục như: Xây dựng trường học, nhà bán trú dân nuôi, tặng tủ sách, xe đạp, máy tính,... 

Thực hiện Chương trình 30a tại tỉnh Lai Châu, từ năm 2008 đến nay, EVN đã hỗ trợ xây dựng 43 nhà bán trú dân nuôi, xây dựng mới 2 trường phổ thông dân tộc nội trú, tặng tủ sách cho hàng chục trường học... Nhờ đó, môi trường học tập của các em học sinh vùng cao được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. 

Là một trong những ngôi trường được EVN hỗ trợ xây mới, thầy Nguyễn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tân Uyên cho biết, Trường được thành lập năm 2009 với 65 học sinh. Sau 3 năm, số lượng học sinh đã tăng gấp 4 lần, nhưng cơ sở vật chất phục vụ học tập và giảng dạy thay đổi không đáng kể. Do thiếu chỗ ở, nên 17 - 18 học sinh phải ở chung một phòng chưa đầy 20 m2. Nhà trường cũng không có điều kiện bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh để nâng cao chất lượng học tập. Vất vả, khó khăn không sao kể hết.

“Năm học 2013-2014, được EVN đầu tư, xây dựng trường mới, thầy và trò chúng tôi được sống và học tập trong một cơ ngơi khang trang, hiện đại. Từ học 2 ca, bây giờ, học sinh chỉ phải học 1 ca; từ chỗ 17-18 em phải ở chung một phòng, hiện nay mỗi phòng ở chỉ có 8 học sinh… Được học tập và sinh hoạt trong không gian rộng rãi, thoáng mát, có cơ sở vật chất đầy đủ, chất lượng dạy và học của Nhà trường không ngừng được nâng lên”, thầy Kiên cho hay.

Cùng với Tập đoàn, nhiều đơn vị trực thuộc EVN cũng thường xuyên thực hiện các chương trình hỗ trợ xây dựng, mua sắm vật tư, thiết bị giáo dục cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Điển hình, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San ủng hộ 70 triệu đồng xây dựng 3 phòng học tại Điểm trường thôn 9, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum - nằm sát biên giới Campuchia. Ở đây, đa số các cháu phải học tại các phòng học tạm bợ và lớp ghép, giáo viên không có nơi ở... Việc cải thiện cơ sở vật chất trường học sẽ giúp các em có điều kiện ở lại trường học 2 buổi/ngày, hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học do điều kiện sống và đi lại khó khăn.

Các đơn vị như Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Điện lực Đắk Nông, Công ty Điện lực Kon Tum... tặng hàng nghìn cuốn sách, vở, balo, xe đạp... cho học sinh nghèo vượt khó.

Với truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, EVN tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Trong đó, Chương trình đồng hành cùng ngành Giáo dục - Đào tạo của Tập đoàn đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần chia sẻ khó khăn, thắp sáng niềm tin cuộc sống, ủng hộ tinh thần vượt khó của những học trò nghèo tại các địa phương trên cả nước. 

Những hạng mục hỗ trợ ngành Giáo dục của EVN trong Chương trình 30a tại tỉnh Lai Châu:
- Xây dựng trường học, phòng học, nhà trẻ, nhà mẫu giáo;
- Xây dựng nhà bán trú dân nuôi;
- Hỗ trợ mua lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cải thiện điều kiện sống, học tập và sinh hoạt cho học sinh vùng cao;
- Mua bảo hiểm y tế cho học sinh...

Quỹ học bổng Niềm tin Việt:
- Do EVN và VTV phối hợp tổ chức;
- Khởi động: Tháng 8/2016
- Mục tiêu: Chia sẻ khó khăn, ủng hộ tinh thần vượt khó của những học trò nghèo tại các địa phương trên toàn quốc. 
- Năm học 2016 - 2017:  Trao tặng 500 suất học bổng, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.


 


  • 10/03/2017 02:55
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2413