“Chuyên gia sáng kiến” của Điện lực TP Hà Tĩnh

Thực tiễn vận hành lưới điện cùng niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo là động lực để anh Ngô Anh Tuấn (SN 1982) - Bí thư Chi đoàn Điện lực TP Hà Tĩnh (Công ty Điện lực Hà Tĩnh) tham gia xây dựng nhiều sáng kiến kỹ thuật.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp 4 - TP Hồ Chí Minh (nay là Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh), năm 2005, anh Ngô Anh Tuấn về nhận công tác tại Phòng Công nghệ thông tin - Công ty Điện lực Hà Tĩnh. Tháng 6/2012, anh được điều động về Điện lực TP Hà Tĩnh với nhiều vị trí công tác từ Phòng Kinh doanh đến Phòng Kỹ thuật và kiêm cả mảng công nghệ thông tin của đơn vị.

Dù ở vị trí nào, anh Tuấn đều làm việc với niềm hăng say và chịu khó tìm tòi, xây dựng các ý tưởng để nâng cao hiệu suất làm việc.

Sáng kiến “Hệ thống bảo vệ máy biến áp khi có phát nhiệt trên ti sứ hạ thế máy biến áp” là công trình nghiên cứu nổi bật năm 2019 mà anh là một trong những người đưa ra ý tưởng đầu tiên và tham gia xây dựng thành công sản phẩm.

Đây là công trình duy nhất lọt qua hàng chục sáng kiến khác để đại diện cho Công ty Điện lực Hà Tĩnh thi tài ở Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Sáng kiến được đánh giá cao, đưa ra ứng dụng thực tiễn, nhân rộng trong hơn 20 công ty điện lực thuộc Tổng công ty, làm lợi lớn cho toàn ngành.

Chia sẻ về sáng kiến này, anh Tuấn cho hay: “Các sự cố phát nhiệt tại ti sứ hạ thế máy biến áp xảy ra khá phổ biến. Hiện tượng này rất khó phát hiện bằng mắt thường khi kiểm tra mà chỉ phát hiện được khi đã xảy ra sự cố. Hè năm 2019, Điện lực TP Hà Tĩnh xảy ra 8 sự cố phát nhiệt trên ti sứ hạ thế, trong đó 1 sự cố gây cháy máy biến áp. Từ đây, thôi thúc tôi và đồng nghiệp phải tạo ra thiết bị bảo vệ máy biến áp và sáng kiến được ra đời”.

Anh Ngô Anh Tuấn kiểm tra thiết bị trước khi đưa lên lưới tại kho vật tư

Ban ngày đi làm, ban đêm đi đo dòng điện nên anh Tuấn và các đồng nghiệp phải tận dụng tối đa thời gian để tìm tòi, nghiên cứu, đưa ý tưởng lên các mô hình thử nghiệm. Các anh phải làm đi làm lại nhiều lần, sau một tháng trời mới cho ra mẫu thử có tính ổn định cao và các tính năng hoàn thiện nhất.

Lợi thế của anh Tuấn là am hiểu về cơ khí nên dễ dàng thực hiện các mô hình trình diễn hơn. Đó là yếu tố để công trình đi đến thành công sớm hơn.

Được biết, để mua một máy biến áp phải mất từ 500 – 700 triệu đồng, thậm chí có máy lên tới hàng tỷ đồng. Sáng kiến này, khi ứng dụng vào thực tiễn đã hạn chế sự cố cháy máy biến áp, làm lợi rất lớn cho đơn vị. Ngoài giá trị kinh tế, thiết bị bảo vệ này còn giảm tổn thất điện năng, không làm gián đoạn quá trình cung cấp điện cho khách hàng.

Năm 2020, anh Tuấn cùng 4 cán bộ, nhân viên khác đã cho ra đời sáng kiến “Giải pháp bảo vệ mất pha cao hạ thế tại các trạm biến áp phân phối”. 

Anh Tuấn phân tích: “Hạn chế của lưới điện phân phối là khi mất 1 pha cao thế sẽ gây sụt áp, làm cho các động cơ không đồng bộ 3 pha như: động cơ các hồ nuôi tôm, nhà máy gạch, chế biến thực phẩm… bị cháy do phát nhiệt.

Hiện, sáng kiến đã thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm và đã lắp đặt tại các trạm biến áp Thạch Trung 13, Thạch Hạ 5, Khu công nghiệp Thạch Đồng. Từ đây, giúp giảm thiệt hại do sự cố lưới điện phân phối, góp phần bảo vệ tài sản cho khách hàng sử dụng điện”.

Anh Trần Quốc Quyền – Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật - An toàn Điện lực TP Hà Tĩnh cho biết: “Ham học hỏi, đam mê nghiên cứu, sáng tạo, Ngô Anh Tuấn đã cùng đồng nghiệp cho ra đời nhiều ý tưởng, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, làm lợi rất lớn cho ngành và nâng cao sự hài lòng cho khách hàng.

Anh cũng là người tư vấn cho anh em công nhân sử dụng các thiết bị giúp nâng cao hiệu suất trong quá trình làm việc như thay lắp công tơ… Anh em đồng nghiệp thường gọi đùa thân mật Tuấn là “chuyên gia sáng kiến”.

Ngoài giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, anh Tuấn còn là Bí thư Đoàn năng nổ, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần đưa phong trào Đoàn của đơn vị phát triển, đứng top đầu Công ty Điện lực Hà Tĩnh”.

Link gốc


  • 27/07/2020 02:46
  • Nguồn: Báo Hà Tĩnh
  • 716