Lấp đầy mái nhà trống hoác...
Trung tâm dậy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương chính thức được thành lập và hoạt động từ năm 2014. Đó là một ước mơ được hiện thực hóa của cô gái bé nhỏ Nguyễn Thị Thu Thương.
Bị mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, nên ước mơ thành lập được một Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật đã được chị Thương ấp ủ từ năm 2004 và phải sau 10 năm tích góp kinh phí từ bao công việc như làm đồ handmade, đan thêu, làm thú nhồi bông...chị mới xây dựng được một căn nhà nhỏ làm nơi đào tạo, dạy nghề cũng như sinh hoạt cho các bạn khuyết tật trên địa bàn.
Đội Dịch vụ khách hàng Công ty Điện lực Phú Xuyên giúp sửa lại mái tôn tại Trung tâm Thương Thương - Ảnh: T.Hiệp.
|
Kinh phí eo hẹp, trụ sở Trung tâm là căn nhà đã xây lâu năm, nên cơn bão số 2, dù không đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội, nhưng ảnh hưởng của nó khiến gió mạnh, mưa lớn, đã làm tốc mái xưởng may của Trung tâm.
"Mấy ngày mưa như trút kèm theo gió mạnh đã khiến mái tôn khu vực xưởng may của Trung tâm chúng tôi bị lật, hư hại, vỡ thủng nhiều chỗ. Xưởng may phải tạm đóng cửa, nhiều em trong Trung tâm đứng trước nguy cơ tạm dừng công việc" - Chị Nguyễn Thị Thu Thương, Giám đốc Trung tâm Thương Thương chia sẻ"
Đang hoang mang trước tình cảnh xưởng may của Trung tâm phải tạm dừng hoạt động, chị Thương vô cùng ngỡ ngàng, vui mừng khôn xiết khi anh Nguyễn Hoàng Thanh, cán bộ Đoàn EVNHANOI, Phó Phòng Vật tư, phụ trách Đội Dịch vụ khách hàng Công ty Điện lực Phú Xuyên chủ động đến khảo sát đồng thời hứa sẽ giúp đỡ Trung tâm khắc phục mái tôn của xưởng may.
Chỉ sau một giờ tìm hiểu "hiện trường", các tình nguyện viên trẻ của Đội Dịch vụ khách hàng Công ty Điện lực Phú Xuyên đã nhanh chóng có mặt tiến hành khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão gây ra cho Trung tâm Thương Thương.
Toàn bộ mái tôn cũ hỏng của xưởng may đã được thay thế hoàn toàn bằng mái tôn mới, có chống nóng.
Anh Nguyễn Hoàng Thanh (áo trắng), chị Thương (người nằm xe lăn) cùng các bạn trẻ khuyết tật, các bạn trẻ Đội Dịch vụ khách hàng chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Thương Thương - Ảnh: T.Hiệp.
|
Mỗi người một chân một tay...
Loay hoay cùng anh em trong đội lợp lại mái tôn, anh Thanh quệt mồ hôi trên trán chia sẻ: Khi biết mái tôn của Trung tâm Thương Thương bị bão phá nát, mình không nghĩ gì nhiều mà chỉ nghĩ ngay tới việcTrung tâm toàn người khuyết tật, còn khó khăn, chắc không thể tự sửa chữa được. Ngay lập tức, mình báo cáo lãnh đạo Công ty Điện lực Phú Xuyên cho phép Đoàn thanh niên được thực hiện việc hỗ trợ này.
Anh Thanh còn cho biết thêm "Toàn bộ kinh phí mua vật liệu được trích từ Quỹ từ thiện Chung một tấm lòng của Đoàn thanh niên Công ty Điện lực Phú Xuyên, còn nhân lực thực hiện thì công nhân trẻ chúng mình nhiều lắm, mỗi người một chân, một tay, chỉ loáng cái là xong thôi..."
Quả thật là vậy, nụ cười của những người công nhân trẻ đang vui vẻ hoàn thành nốt phần công việc như đã nói thay cho tấm lòng của họ.
Được biết, anh Thanh cùng các anh em thợ điện trong đội tự tay mua vật liệu, lên kế hoạch thi công, lắp đặt một cách cẩn thận và thực hiện công trình thành công toàn bộ mái chống nóng cho xưởng may của Trung tâm ngay sau khi bão tan. Do đó, các công việc tại xưởng may của Trung tâm Thương Thương đã hoạt động trở lại một cách nhanh chóng.
Cảm kích tấm lòng của thợ điện trẻ, chị Thương không khỏi xúc động: "Tôi phải cảm ơn anh em thợ điện nhiều lắm. Không chỉ với việc lợp lại mái tôn cho Trung tâm mà trong cuộc sống thường nhật, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía Điện lực. Qua khảo sát, Công ty Điện lực Phú Xuyên đã cử em Thanh đến giúp tôi lắp điện. Thanh tư vấn, trợ giúp tôi hoàn thiện các thủ tục lắp đặt công tơ sản xuất phù hợp, giảm thiểu chi phí tiền điện cho Trung tâm.
"Giờ đây, với mái tôn mới rất chắc chắn chúng tôi sẽ không sợ mưa, và đặc biệt là không sợ nắng nóng vì tôn mới là tôn lạnh không phải loại thông thường..." - Chị Thương chia sẻ.
Bằng tình cảm chân thật nhất, chị Thương và những hoàn cảnh đặc biệt nơi đây cũng đã gửi những lời cảm ơn sâu sắc đến em Thanh, đến các bạn trẻ Đội Dịch vụ khách hàng, đến Ban lãnh đạo Công ty Điện lực Phú Xuyên đã hiểu thấu và chia sẻ khó khăn với những người khuyết tật của Trung tâm; giúp họ có thêm niềm tin, tiếp tục vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Trung tâm Thương Thương (thôn Nam Phú, xã Nam Phong huyện Phú Xuyên) là nơi dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ khuyết tật bằng các sản phẩm handmade độc đáo.
Hiện nay, Trung tâm có trên 10 lao động là người khuyết tật với lương từ 1,5 - 2 triệu đồng/ tháng. Các em khuyết tật đến Trung tâm được hỗ trợ 80% phí ăn ở và học nghề miễn phí.
|