Công ty Điện lực Đắk Lắk: Khuyến khích lao động sáng tạo

Luôn khuyến khích CBCNV lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm cường độ lao động nặng nhọc... là những tiêu chí để Công ty Điện lực Đắk Lắk xây dựng môi trường lao động sáng tạo, hiệu quả.

Luôn được đánh giá cao

Công ty Điện lực Đắk Lắk (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung) hiện có 16 điện lực trực thuộc, 2 xí nghiệp điện cơ với hơn 960 CBCNV. Từ năm 2010 đến 2015, Công ty đã có hơn 220 sáng kiến cải tiến kĩ thuật được công nhận. Đây cũng là kết quả của quá trình kiên trì xây dựng môi trường lao động sáng tạo và đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Công ty. 

Theo ông Tạ Minh, Phó giám đốc Công ty, để khuyến khích người lao động phát huy sáng tạo, Công ty đã thành lập Hội đồng Sáng kiến cải tiến kỹ thuật, với chức năng bình chọn, thẩm định, đánh giá một cách công tâm các sáng kiến của người lao động. 

“Đều đặn hàng quý, Hội đồng tổ chức xem xét, đánh giá, chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để hoàn thiện các đề tài nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kĩ thuật, hợp lý hóa sản xuất và có cơ chế khen thưởng kịp thời đối với những sáng kiến có tính khả thi cao, mang lại hiệu quả. Đây còn được coi là một giải pháp quan trọng, hỗ trợ cho việc đánh giá xếp loại thi đua của từng đơn vị, cá nhân, nhờ đó, đã khơi dậy sức sáng tạo, sự đổi mới tư duy của người lao động” – ông Tạ Minh cho biết.

Nhiều năm qua, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các đơn vị trong Công ty đã có nhiều thay đổi về tư duy cũng như lĩnh vực ứng dụng. Nếu như trước đây, đa số các sáng kiến đều tập trung vào việc vận hành, sửa chữa lưới điện thì những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều sáng kiến ứng dụng KHCN mới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng công việc. 

Sáng kiến thu hồi dây cũ bằng máy trộn bê tông góp phần nâng cao hiệu quả công việc

Hiệu quả thiết thực

Nhận được sự khích lệ, ủng hộ của lãnh đạo đơn vị, nhiều công nhân tại các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc đã mạnh dạn đề xuất, nghiên cứu, thử nghiệm trong thực tế sản xuất và cho ra đời nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất hay quản lý.

Cụ thể, sáng kiến “Nghiên cứu chế tạo tủ tự động điều khiển tinh, vô cấp nhiệt độ lò sấy máy biến áp” của kĩ sư Nguyễn Minh Vũ, Bí thư Chi đoàn Nghiệp vụ Kỹ thuật, Điều độ viên phòng Điều độ PC Đắk Lắk. Nội dung sáng kiến là cải tiến thiết bị sấy máy biến áp trên cơ sở ứng dụng công nghệ bán dẫn thysistor điều khiển tinh vô cấp nhiệt độ trong quá trình sấy. Khi đưa vào sử dụng, thiết bị hoạt động hoàn toàn tự động và ổn định theo chương trình cài đặt của người sử dụng. Ngoài việc tăng hiệu suất lò, nâng cao năng suất lao động, sáng kiến còn góp phần cải thiện chất lượng sấy MBA, qua đó gián tiếp góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn. Cũng từ thành tích nổi bật này, tháng 5/2016, kĩ sư Nguyễn Minh Vũ là đại diện duy nhất của tỉnh Đắk Lắk được tham gia Lễ tuyên dương “Người thợ giỏi” toàn quốc lần thứ VII.

Trong khi đó, sáng kiến "Thu hồi dây dẫn điện cũ bằng máy trộn bê tông dùng động cơ diesel" của công nhân Huỳnh Minh Tú, Đội Quản lý vận hành ĐZ và TBA, Điện lực Lắk đã giảm thời gian thu hồi dây dẫn thải loại sau cải tạo, giảm chi phí nhân công. Sau nhiều lần cải tiến, sáng kiến này đã được áp dụng thành công trong sản xuất, chỉ cần 3 người vận hành, năng suất lao động tăng lên gấp chục lần so với phương pháp làm thủ công trước đây.

Điều đặc biệt ở PC Đắk Lắk là hầu hết sáng kiến đều tận dụng các thiết bị hiện có hoặc một bộ phận đã hư hỏng của tủ điện, các loại máy cắt Reclose, vật liệu phế thải… làm ra một dụng cụ hoặc thiết bị mới “đa năng” và nhiều tiện ích hơn. Điển hình như sáng kiến “Giải pháp cắt lõi thép có mặt phẳng nhét vào ống nối nhôm” của anh Hồ Văn Tuân, Đội Quản lý vận hành ĐZ và TBA, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột giúp giảm thiểu được nhiều công sức và giúp thao tác cắt lõi thép được nhanh và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Sáng kiến này hiện đang được áp dụng rộng rãi trong Công ty.

Có thể nói, môi trường lao động sáng tạo tại PC Đắk Lắk đã khơi dậy trong mỗi cán bộ, công nhân ngọn lửa đam mê cống hiến hết mình cho công việc, tiếp tục cho ra đời nhiều sáng kiến hay, những cách làm hiệu quả, đúng như chia sẻ của một “cây sáng kiến” trong đơn vị: “Công việc luôn đòi hỏi chúng ta phải trăn trở, sáng tạo, nghĩ cách làm hay để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng để làm được điều đó phải thực sự yêu, gắn bó với nghề và quan trọng nhất là nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo. Có như vậy, những sáng kiến hữu ích sẽ ra đời và góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc”. 

Một số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tiêu biểu tại PC Đắk Lắk:

- Sáng kiến “Nghiên cứu giải pháp kết nối các máy cắt Recloser với hệ thống MiniSCADA” đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2013.

- Sáng kiến “Nghiên cứu giải pháp truyền thông kết nối các thiết bị đóng cắt (Recloser, LBS) có giao thức IEC 60870-5-101/104 trong hệ thống điện bằng sóng di động GPRS/3G với hệ thống MiniSCADA hiện hữu” đoạt giải Nhì tại Festival Sáng tạo trẻ của Trung ương Đoàn năm 2014.

- Sáng kiến “Lắp đặt công tơ điện tử tại các trạm biến áp (TBA) phụ tải công cộng lấy biểu đồ phục vụ cho công tác bù công suất phản kháng tối ưu” được Hội đồng sáng kiến PC Đắk Lắk công nhận sáng kiến loại A năm 2015.


  • 24/12/2016 10:33
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1521