Ông Rémi Genevey – Giám đốc AFD tại Việt Nam cho biết, năm 2014 là năm ghi dấu kỷ lục hoạt động của AFD trên toàn trên thế giới. AFD đã tài trợ 8,1 tỷ euro phục vụ cho sự phát triển, với 3 mục tiêu: Biến sự phát triển kinh tế thành tiến bộ xã hội cho mọi người dân; đưa môi trường vào trọng tâm các mô hình tăng trưởng; và phát triển lãnh thổ một cách hài hòa.
Tại Việt Nam, trong chiến lược giai đoạn 2013 - 2015, AFD hỗ trợ cho sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng công bằng và bền vững hơn.Tổng cộng 75 dự án đã hoàn thành, hoặc đang triển khai tại Việt Nam được AFD hỗ trợ. Theo đó, cứ 3 người dân Việt Nam thì có 1 người được hưởng lợi từ các dự án AFD tài trợ.
Ông Rémi Genevey - Giám đốc AFD tại Việt Nam (giữa) và ông Jean-Claude Pires - Phó Giám đốc AFD tại Việt Nam (ngoài cùng bên trái). Ảnh: N.Hương
|
Ông Rémi Genevey khẳng định, AFD rất chú trọng hỗ trợ sự phát triển của ngành Điện Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. AFD là nhà tài trợ đầu tiên đã cấp khoản vay trực tiếp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà không cần bảo lãnh của Chính phủ, do đó, không làm tăng nợ công của Chính phủ Việt Nam.
Ông Jean-Claude Pires, Phó Giám đốc AFD tại Việt Nam chia sẻ, AFD đã cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cấp khoản vay ưu đãi 75 triệu euro, và một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 500.000 euro cho dự án truyền tải điện cao thế Pleiku- Cầu Bông (dài 437 km). Năm 2014, dự án hoàn thành, cho phép nâng cao năng suất truyền tải điện từ miền Trung vào miền Nam từ mức 2.500 MW lên tới 5.300 MW. Đồng thời, góp phần giảm tổn thất kỹ thuật và tối ưu hóa công suất phát điện tại Việt Nam.
Năm 2015, AFD xác định là năm dành cho khí hậu. AFD đã ký thỏa ước cho Việt Nam vay 20 triệu euro để triển khai giai đoạn 5 của “Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu" (SP-RCC), đưa tổng cam kết hỗ trợ ngân sách của AFD cho chương trình SP-RCC lên mức 100 triệu euro. Đây là chương trình nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện cải cách trong các ngành nhằm chống biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, đồng thời khuyến khích sự phát triển có mức phát thải carbon thấp.
Như vậy, với lĩnh vực khí hậu – năng lượng, AFD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết hai thách thức lớn: Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng do dân số và tăng trưởng kinh tế nhanh, và thách thức thứ hai là ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh.
Những hỗ trợ của AFD trong lĩnh vực năng lượng- khí hậu tại Việt Nam giai đoạn 2000 - 2014:
· Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC: Tổng mức hỗ trợ 100 triệu euro.
· Dự án thủy điện Huội Quảng (công suất 520 MW): AFD hỗ trợ khoản vay 100 triệu USD.
· Dự án truyền tải điện Pleiku- Cầu Bông: Cấp khoản vay trị giá 75 triệu euro ( phối hợp cùng ADB) và hỗ trợ kỹ thuật với số tiền 500.000 euro bằng nguồn viện trợ không hoàn lại.
· Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Điều tiết điện lực: Viện trợ không hoàn lại 777.485 euro.
· Dự án truyền tải điện miền Bắc: Hỗ trợ khoản vay trị giá 40 triệu euro (cùng ADB).
· Dự án điện khí hóa nông thôn miền Nam: Hỗ trợ khoản vay trị giá 17,14 triệu euro.
|